Hoán đổi giấc mơ
Một buổi chiều, cô hàng xóm tất bật dọn dẹp cho chuyến về thành phố. Sau nhiều năm “bán mặt cho đất”, cô ấy đã bán đất cho chúng tôi, quyết định rời bỏ làng quê để tìm cơ hội ở một phương trời mới. Tôi bất chợt nhận ra rằng dường như đang có sự hoán đổi những giấc mơ giữa người thành phố và người làng quê. Những người sống ở quê đang đổ về thành phố để học tập, làm việc và tìm cơ hội ở lại. Trong khi những người sống lâu năm ở thành phố lại khao khát chút bình dị ở nông thôn. Chị bạn tôi nói vui rằng phàm người ta thiếu thứ gì sẽ ao ước thứ đó.
Tác giả (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các vị khách tại homestay của mình
Nơi tôi đang sống thuộc vùng ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Trước đây, nơi này toàn là người bản địa, sống thâm canh cố đế từ thời lập làng lập ấp. Nhưng mấy năm gần đây, nhiều người từ Sài Gòn, thậm chí cả Hà Nội đổ về đây mua nhà, mua đất. Cứ một vài tuần lại có người trong xóm mời ăn liên hoan, chia tay để “lên phố”. Họ bán nhà, bán đất như muốn đoạn tuyệt với cây cối, ruộng vườn.
Đất họ bán được những người ở thành phố mua lại, làm nhà vườn, thiết kế nhà sàn, ao cá với phong cách đồng quê để làm chốn nghỉ ngơi. Các công ty bất động sản cũng nắm bắt xu hướng một cách nhanh chóng. Họ săn lùng những mảnh đất có vị trí đẹp, có hướng nhìn (view) ra suối, ra ruộng nương để xây dựng sẵn mô hình nhà vườn nhằm bán cho những người thành phố có nhu cầu.
Là người đang sống ở đây, tôi cảm nhận rõ sự chuyển động song song của hai làn sóng “bỏ rừng xuống phố” và “bỏ phố lên rừng” hiện nay.
Lập nghiệp với homestay
Tôi cũng là một thành phần nhỏ nhoi của làn sóng “bỏ phố lên rừng”. Sau mười năm sống và làm việc ở Sài Gòn, tôi quyết định quay về quê lập nghiệp. Tôi lên một kế hoạch kiếm sống ở miền quê bằng việc mở một homestay, đón khách du lịch kết hợp trồng rau sạch để bán.
Cũng như mong muốn của nhiều người, tôi mơ mộng về một nông trại vui vẻ ở Đà Lạt cho đến khi... nhìn thấy giá nhà đất. Cách đây ba năm, nhà đất ở Đà Lạt và ngay cả những vùng lân cận như Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương đã tăng giá vùn vụt.
Một góc tại homestay
Giá đất luôn tính bằng tiền tỷ, bất chấp giấy tờ nhà đất rất mù mờ. Những người không am hiểu lĩnh vực bất động sản rất dễ ôm “trái đắng”. Các mảnh đất ở ngoại ô, chỗ nào có giá mềm thì hầu hết là đất quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc chưa có sổ.
Một vài người bạn của tôi đã khổ sở khi mua phải đất không thể xây dựng. Có người vì quá vội vã, không kiểm tra kỹ lưỡng nên mua trúng mảnh đất có quy hoạch, sau đó phải tìm cách bán tháo lại cho người “gà mờ” về đất đai khác.
Tôi ít tiền nên “may mắn” không bị cuốn vào cơn sốt nhà đất. Một năm sống ở Đà Lạt, tôi như một kẻ đi kiến tập với mô hình du lịch lưu trú này. Nhiều lần, tôi nghĩ đến việc tìm kiếm nhà để thuê và bắt tay vào làm homestay. Nhưng giá thuê nhà đất khi ấy cũng dao động hàng chục triệu một tháng kèm theo những rủi ro cao. Người chủ cho thuê nhà đất có thể đổi ý, lấy lại nhà bất cứ lúc nào. Dù họ có bồi thường thì cũng không thể nào bù đắp được công sức, ý tưởng và thương hiệu mình gầy dựng.
Bên cạnh đó, Đà Lạt là vùng đất du lịch nhiều năm qua. Mô hình lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, homestay, farmstay đã quá nhiều. Lướt qua các trang bán phòng trực tuyến phổ biến (Booking, Airbnb, Agoda, Tripadvisor...) đã có hàng trăm cơ sở kinh doanh với lượt review dài dằng dặc. Đó quả thật là một thách thức với các homestay “sinh sau đẻ muộn”. Với một số vốn quá nhỏ và những thách thức quá to, tôi quyết định sẽ không đầu tư ở Đà Lạt mà tìm một mảnh đất khác, thị trường khác vừa sức với mình hơn.
Sau một năm ngó nghiêng ở Đà Lạt, tôi quyết định di cư một lần nữa, về thành phố Buôn Ma Thuột - một nơi có chi phí rẻ hơn nhiều và giá đất vẫn chưa bị thổi lên mây. Lúc mới về, chúng tôi cũng chưa có khả năng mua đất mà chỉ thuê một ngôi nhà và khu vườn nhỏ để làm homestay.
Thời điểm đó, du lịch ở Buôn Ma Thuột còn ảm đạm. Mô hình homestay còn khá mới, số home cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi tưởng rằng đó là một con đường rộng thênh thang cho mình tung hoành.
Lời-lỗ trong homestay
Tôi chọn một ngôi nhà gần sân bay, khá xa thành phố nhưng nằm trên cung đường phượt của các bạn solo-motorbike. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận ra Buôn Ma Thuột không phải là thành phố du lịch, nhưng hầu hết các “phượt thủ" sẽ chọn nơi này làm điểm dừng chân trên chặng đường từ Sài Gòn về Gia Lai, Kon Tum hoặc Sài Gòn đi Đà Lạt, Nha Trang. Một chỗ ngủ sạch sẽ, thoải mái, một bữa cơm nóng là yêu cầu của họ. Vì hướng đến khách hàng là những “phượt thủ”, tôi tự tay decor các phòng ngủ với phong cách tối giản nhưng sáng sủa, có bếp và không gian sinh hoạt chung.
Tôi dốc toàn bộ tâm sức cho ngôi nhà này và dần dà cũng có được lượng khách ổn định với khoảng 50% là người nước ngoài. Nhiều người lầm tưởng có nhiều khách nước ngoài thì thu nhập sẽ ổn hơn khách Việt. Nhưng thực tế, các bạn người nước ngoài thường di du lịch trong một thời gian rất dài, có khi tính bằng năm. Họ đi xuyên từ nước này sang nước khác nên phải cực kỳ tiết kiệm chi phí. Do đó, giá rẻ phải là ưu tiên hàng đầu. Tại homestay Windy Garden của chúng tôi, đa phần họ chỉ thuê phòng dorm với giá 100.000 đồng kèm bữa sáng.
Ở Việt Nam, hầu hết, các bạn khách Tây sẽ thuê xe máy hoặc mua với giá rẻ ở đầu cầu Hà Nội hoặc Sài Gòn, sau hành trình sẽ bán lại hoặc trả lại xe. Vì thế, khách nước ngoài sẽ không sử dụng dịch vụ thuê xe và thường rất tuân thủ lịch trình mà họ đưa ra. Họ sẽ chỉ lưu lại lâu ngày ở các điểm theo kế hoạch trước như Hà Giang, Sapa, Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt... Đó là các điểm đến với phong cảnh đẹp hoặc có kiến trúc, văn hóa độc đáo.
Buôn Ma Thuột chưa được nhiều người nước ngoài biết đến và hầu hết khách phượt chỉ lưu lại một hai đêm để nghỉ ngơi cho hành trình tiếp theo. Nguồn thu nhập của chúng tôi thực sự không đến từ khách nước ngoài mà chủ yếu đến từ 50% khách Việt còn lại. Ngược với khách nước ngoài, khách Việt rất phóng khoáng để chi trả cho một căn phòng riêng cùng cách dịch vụ như thuê xe, mua đặc sản làm quà.
Tuy vậy, khách Việt nhiều người chưa hiểu lắm về khái niệm Local house nên thường thất vọng khi chọn một nơi như home của chúng tôi để ở. Xu hướng của các bạn khi đi chơi là phải ở một home có nhiều góc, tiểu cảnh để check-in. Với những khách hàng như vậy, tôi cũng chỉ biết giúp họ tìm một home khác phù hợp hơn.
Tuy thu nhập từ homestay không cao, chỉ được xem như “lấy công làm lời”, nhưng điều có được với tôi là vô giá. Các bạn khách nước ngoài cực kỳ thích trò chuyện và trải nghiệm các bữa ăn thường ngày của người Việt. Do vậy, khi chúng tôi dành thời gian trò chuyện, ăn uống cùng, họ không ngần ngại viết tốt về homestay, luôn dành tặng điểm cao. Có người đầu tư viết review cho chúng tôi bằng hai, ba thứ tiếng, giới thiệu lên các trang phượt của họ. Home của chúng tôi được xếp hạng 9.7/10 trên ứng dụng đặt phòng Booking. Chúng tôi trao đổi ngôn ngữ, món ăn, âm nhạc với những vị khách đến từ những vùng đất xa xôi.
Sau một năm rưỡi hoạt động, ngỡ rằng mọi thứ đang “vào guồng” thì biến cố lại ập đến. Chủ nhà muốn lấy lại nhà trước hợp đồng để bán. Cộng với hai đợt dịch Covid-19 lay lắt, chúng tôi buộc phải tạm đóng cửa homestay, đợi tìm mặt bằng mới để chuyển đi. Biến cố xương máu này khiến tôi quyết định sẽ không thuê nhà nữa mà tìm một mảnh đất xa xa trung tâm để mua và gầy dựng lại, đi theo một con đường dài hơi hơn.
Mất hơn hai tháng lang thang đi tìm đất, tôi chọn được một mảnh đất ở ngoại ô rộng 1.000 mét vuông, có ao, cuối đất có một dòng suối rất đẹp. Giá đất còn khá mềm. Tôi cùng một người bạn quyết định mua và dựng lên những ngôi nhà gỗ thông lamri. Chúng tôi mất thêm bốn tháng để dựng nhà, trồng cây, trồng hoa, vắt hết sức để biến một mảnh đất ngập trong cỏ dại thành một homestay ấm áp, gần gũi với thiên nhiên.
Những ngày này, home của chúng tôi đã gần hoàn thiện, sắp có thể đón khách trở lại, nhưng mọi thứ vẫn chưa thể vào guồng như trước. Do đổi địa chỉ kinh doanh, các trang bán phòng trực tuyến cương quyết không cho phép chúng tôi giữ lại tài khoản cũ. Theo đó, điểm đánh giá, review đã có được trước đây – thông tin quan trọng để khách hàng quyết định đặt phòng đều bị mất.
Với việc tạo một tài khoản mới, chúng tôi gần như trở thành một địa chỉ kinh doanh toanh. Trong lúc đó, các homestay, farmstay mới mọc lên rất nhiều với sự đầu tư tài chính lớn. Tôi sẽ phải cạnh tranh với họ.
Song điều đáng mừng là thành phố Buôn Ma Thuột đang có những chính sách đầu tư và quảng bá cho du lịch. Rất nhiều du khách đã đến thành phố trong năm qua. Điều đó có nghĩa là nhu cầu sử dụng dịch vụ homestay sẽ tăng cao. Các home có bản sắc riêng sẽ không phải quá lo lắng.
Homestay vẫn có thể là một hướng đi tốt cho những người “về vườn” có đam mê với mô hình này. Tuy nhiên, theo trải nghiệm của riêng mình, tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ nếu có ý định đầu tư cho mô hình homestay và sống với nó, nhất định cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xác định rõ ràng phong cách ngay từ đầu.
Chủ nhà nên dành thời gian để trò chuyện và chăm sóc cho những vị khách của mình. Là homestay, yếu tố “home” nên được chú trọng, làm sao để mang đến cảm giác thân thuộc cho khách lưu trú.
Tôi tin rằng, trong thời buổi quá dễ dàng tiếp cận những thứ xa hoa, tráng lệ, dịch vụ tận răng thì điều gì gần gũi, đơn sơ, mộc mạc như một mái nhà, một cảm giác bình yên sum họp sẽ dễ dàng được đón nhận và yêu mến.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: