Nhà nằm gần Công viên Văn Lang (quận 5, TP HCM) nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Nhật (56 tuổi) lại ra đó tập thể dục. Năm năm qua, công viên này bị bê-tông hóa, luôn nóng bức và đầy khói bụi.
Đất có sẵn vẫn thiếu công viên
Công viên Văn Lang đã được lát đá granite toàn bộ thảm cỏ, đường đi và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Những cây cổ thụ chết dần, nắng rọi thẳng xuống mặt sân bê-tông gây cảm giác bức bí.
Để có mảng xanh, không gian mát mẻ, mỗi ngày, ông Nguyễn Nhật tập thể dục tại bờ kè đại lộ Võ Văn Kiệt. Vào mùa mưa, nước dưới kênh Tàu Hủ sạch, không khí trong lành nhưng vào mùa nước cạn, mùi hôi xộc vào mũi, buộc lòng ông phải ở nhà.
"Quận 5 có dân số đông, mật độ dân cư dày nhưng thiếu mảng xanh và công viên tương xứng. Một số nơi gọi là công viên thì chỉ là một dải đất nhỏ, chật chội; không có nơi gửi xe máy, không đủ rộng để chạy bộ…" - ông Nguyễn Nhật phàn nàn.
Trong khi đó, chung cư The EverRich Infinity (quận 5), chung cư City Gate (quận 8) có hàng ngàn người sinh sống, song mảng xanh nơi đây "teo tóp". Nhà đầu tư tận dụng diện tích tầng 3 vừa làm hồ bơi vừa làm công viên, xung quanh lát đá, chật chội khiến không ít người khó tin đây là khuôn viên một quán ăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các công viên có cây xanh và diện tích rộng hình thành từ hàng chục năm trước, tập trung ở những quận nội thành. Những công viên với diện tích dưới 100 m2 nằm rải rác ở khắp các khu dân cư mới.
Hiện nhiều quận, huyện vẫn chưa có công viên. Cụ thể, quận Bình Tân có dân số đông nhất TP HCM, còn nhiều diện tích đất bỏ trống nhưng vẫn chưa hình thành được công viên. Quận Gò Vấp có khu đất từ lâu ít ai biết là công viên nằm trên đường Nguyễn Văn Lượng, diện tích công viên này lên đến 37 ha, hạ tầng có sẵn nhưng cỏ mọc um tùm, đường đi bộ hư hỏng nghiêm trọng. Huyện Củ Chi dù có diện tích đất tự nhiên rộng lớn nhưng một dự án công viên ở đây vẫn chưa rục rịch khởi động.
Theo quy hoạch, TP HCM vẫn còn diện tích đất dành cho công viên cây xanh rất lớn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các địa phương không thực hiện được, thậm chí có công viên chuyển đổi công năng làm chợ, trung tâm thương mại. Thành phố cần mở rộng diện tích mảng xanh dựa theo chỉ tiêu dân số, không cần theo từng quận, huyện.
Viện Sinh thái Miền Nam cho biết cây xanh, thảm cỏ, kênh, rạch có vai trò rất lớn để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Nếu trồng thêm 1 triệu cây xanh, mở rộng thêm 100 ha diện tích công viên thì khu vực đó bức xạ nhiệt sẽ giảm 30%-40%; đồng thời cải thiện được hàng triệu tấn khí thải và khói bụi.
Người dân đi bộ tập thể dục trong Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP HCM)
Cần liên kết với tư nhân đầu tư công viên
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, tổng diện tích công viên tại thành phố đạt 500 ha. Diện tích đất dự kiến làm công viên gấp 30 lần so với thực tế. Từ năm 2021-2025, thành phố sẽ xây dựng 23 dự án được đưa vào chương trình phát triển công viên cây và cây xanh công cộng, tổng diện tích được đầu tư lên đến 230 ha.
Trong đó, quận 12 là nơi được quy hoạch làm công viên lớn nhất với tổng diện tích 150 ha thuộc phường Thạnh Xuân, phường Thới An, phường Hiệp Thành và cụm khu thể dục thể thao… Tiếp đến, quận 4 sẽ cải tạo Công viên hồ Khánh Hội, diện tích hơn 17 ha nằm trên địa bàn các phường 2, 3, 5. TP Thủ Đức tận dụng lại các công viên xuống cấp để chỉnh trang, cải tạo đồng thời xây dựng 8 dự án công viên công cộng tại các phường Phước Long B, Long Bình, Long Thạnh Mỹ.
Một số nơi như huyện Nhà Bè, Hóc Môn, quận Bình Tân, Bình Thạnh… sẽ đầu tư công viên cây xanh từ phần lớn diện tích đất của người dân cần phải thu hồi, giải tỏa. Ngoài ra, TP HCM chủ trương trồng mới 6.000 cây xanh, cải tạo hơn 30.000 cây xanh để nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường.
Bà Thái Thị Thanh, Giám đốc Công ty Dịch vụ - Tư vấn bất động sản Gold, cho hay người dân lựa chọn mua chung cư hoặc dự án nhà ở luôn đòi hỏi phải gần các tiện ích công cộng. Nếu một dự án gần công viên quy mô lớn, giá nhà sẽ tăng từ 10%-30%, tương đương giá bán ra cao hơn 50-150 triệu đồng.
Hiện nhiều nhà đầu tư chủ động xây dựng công viên cây xanh để tăng thêm giá trị dự án. Ngoài việc sử dụng ngân sách để quy hoạch mở rộng các công viên cây xanh, chính quyền có thể liên kết với tư nhân để đầu tư; có thể tư nhân xây dựng, sử dụng một phần diện tích để hoàn vốn.
Đất công viên dự kiến tăng 450 ha
Theo các đồ án quy hoạch TP HCM năm 2020, diện tích công viên công cộng đạt 11.400 ha. Tính theo quy mô dân số, diện tích công viên cây xanh đạt 7 m2/người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ đạt 500 ha, chia đầu người chỉ đạt 0,55 m2/người. Theo lộ trình đến năm 2030, đất công viên ở TP HCM đạt 1 m2/ người, tăng 450 ha so với năm 2020.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: