Cuộc khủng hoảng chưa từng có
Kể từ đầu năm 2020, thế giới bước vào những ngày đầy khó khăn do đại dịch Covid-19 với số ca nhiễm bệnh và tử vong leo thang hàng ngày được ghi nhận tại hơn 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tính đến ngày 26/12, thế giới ghi nhận gần 80 triệu người mắc Covid-19, 1,75 triệu ca tử vong. Điều tệ hại hơn là Covid-19 đã tàn phá và làm tê liệt hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, liên minh Châu Âu…
Các nước áp đặt những biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch đã gây nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng vốn rơi vào tình trạng tê liệt.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, GDP toàn cầu đã giảm 15,6%, lớn gấp 4 lần so với năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Theo dự báo, đến hết năm nay, GDP có thể giảm từ 4,4 - 4,9%, tương đương với 12.000 tỷ USD. Đây là mức tổn thất lớn chưa từng có đối với kinh tế toàn cầu kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Đối với các nền kinh tế lớn, Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Mỹ có thể giảm 4,3% GDP, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 8,3%, trong đó, Tây Ban Nha giảm mạnh nhất 12,8%, Italy và Pháp chứng kiến mức giảm GDP lần lượt là 10,6% và 8,3%. Kinh tế Anh giảm 9,8% và kinh tế Nhật Bản giảm 5,3%.
Theo ước tính, khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản và hàng trăm triệu người mất việc. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ trong 4 tháng đầu năm, đã có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu (khoảng 3,3 tỷ người) chịu tác động của dịch Covid-19.
Lao động giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, kích hoạt làn sóng vỡ nợ trên phạm vi toàn cầu do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán tăng vọt.
Chưa hết, đại dịch COVID-19 còn làm giảm tổng cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới, gây đổ vỡ các hợp đồng kinh tế, thu hẹp hoặc làm mất đi cơ hội kinh doanh vi mô và vĩ mô. Đồng thời, làm tăng rủi ro cho cổ phiếu và trái phiếu của cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ.
Trong số các ngành công nghiệp, du lịch và hàng không là 2 lĩnh vực tổn thất nhiều nhất. Chỉ riêng việc hạn chế đi đã làm cắt giảm thương mại toàn cầu tới khoảng 2,6 nghìn tỉ USD.
Trên toàn cầu, áp lực lạm phát tăng cao do các biện pháp giãn cách xã hội, buộc người dân phải tăng cường tích lũy hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng cũng đẩy giá cả tăng cao.
Điểm sáng nơi cuối con đường
Những tin tức tích cực mới đây về Vaccine Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi trở lại.
Trong những tháng cuối năm 2020, kinh tế thế giới có những dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ.
Cụ thể, tại Mỹ, GDP quý III/2020 tăng 33,1%, đảo chiều kỷ lục sau khi giảm 32,9% trong quý II/2020.
Tại châu Âu, GDP quý III/2020 của Eurozone và EU 28 tăng 0,9% so với quý trước đó.
Kinh tế Nhật Bản phục hồi rõ nét với tăng trưởng GDP quý III/2020 tăng 18,03%. Tiêu dùng tư nhân quý III tăng 4,7% so với quý trước.
Kinh tế Hàn Quốc cũng phục hồi tốt hơn dự báo. Trong quý III/2020, GDP Hàn Quốc tăng 1,9% so với quý trước, đánh dấu mức tăng trưởng quý dương đầu tiên sau hai quý suy giảm liên tiếp
Kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu phục hồi sau đại dịch trong bối cảnh một số đối tác thương mại đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Sản lượng công nghiệp tháng 10/2020 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự đoán trước đó là 6,5%.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 10/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có những dự báo GDP toàn cầu theo hướng lạc quan hơn, dự báo GDP toàn cầu năm 2020 ở mức -4,4%, sau đó sẽ phục hồi dần trong năm 2021 với mức tăng 5,2%.
Tại các nền kinh tế phát triển (AEs), GDP được dự báo ở mức -5,8% trong năm 2020, tăng 2,3% so với dự báo 4 tháng trước đó, chủ yếu là nhờ GDP quý II tại Mỹ và khu vực đồng euro tăng cao hơn so với kỳ vọng. Đồng thời IMF cũng dự báo GDP thế giới sẽ tăng 3,9% vào năm 2021.
GDP các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs) được dự báo tăng trưởng -3,3% năm 2020 và tăng lên 6% năm 2021. Tại châu Á, kinh tế EMDEs dự báo có thể sẽ giảm 1,7% trong năm nay, sau đó phục hồi đạt mức 8% vào năm 2021. Trong đó, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 1,9% (2020) và 8,2% (2021).
Thị trường kỳ vọng lạm phát sẽ trầm lắng tại các nền kinh tế phát triển, dao động ở mức thấp, được dự báo tăng 0,8% trong năm 2020 và 1,6% trong năm 2021, sau đó sẽ ổn định ở mức 1,9%. Tại EMDEs, lạm phát được kỳ vọng tăng 5% trong năm nay, giảm xuống 4,7% trong năm 2021 và sau đó giảm nhẹ xuống mức 4,0%.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: