Ảnh minh họa
Ông Đỗ Phi Hùng cho biết, Nghị định 61 có hiệu lực từ ngày 5-7-1994 và mới được thay thế bằng Nghị định 34 vào ngày 6-6-2013, tổng thời gian thực hiện bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định này là 19 năm. “Đây là nghị định có hiệu lực lâu nhất và quá trình thực hiện cũng dài nhất”, ông Hùng nói.
Tổng kết lại khoảng thời gian gần 20 năm thực hiện Nghị định 61, Phó Giám đốc sở Xây dựng cho rằng, điểm “độc” của nghị định này là suốt thời gian tồn tại gần như không bị “đá” nhau với các luật ban hành sau đó như Luật Dân sự (1995), Luật Đất đai (2003), Luật Nhà ở (2005).
Ngoài ra, ông Hùng còn thống kê thêm những cái “nhất” thú vị về quá trình thực hiện nghị định này trên địa bàn TP.HCM:
- Nghị định có số người tham gia thực hiện đông đảo nhất từ trước đến nay: ngoài các sở: Xây dựng, Nhà đất (Tài nguyên – Môi trường hiện nay), Tài chính, Lao động Thương binh & Xã hội; các quận huyện; các mặt trận, đoàn thể cùng tham gia trong Hội đồng bán nhà; các công ty công ích của quận, huyện.
- Có tới khoảng nửa triệu dân TP có liên quan đến nghị định này (với khoảng 100.000 người mua nhà).
- Riêng Sở Xây dựng có tới sáu đời Phó Giám đốc và 10 đời Trưởng phòng Quản lý nhà cùng tham gia thực hiện bán nhà theo nghị định này.
- Số lượng cá nhân, tập thể các cấp được khen thưởng cũng “khủng” nhất từ trước đến nay: hơn 3.000 người.
- Gần 20 năm thực hiện nghị định, dù có sai sót nhưng không đến mức phải kỷ luật cán bộ và chuyển sang hình sự bất kỳ cán bộ nào.
“Có thể coi đây như một chiến dịch được triển khai dài ngày nhất, trên vùng chiến trận rộng lớn nhất, với quân số đông đảo nhất nhưng trận chiến gần 20 năm nay đến nay không ai bị tử trận!”, ông Đỗ Phi Hùng ví von.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, toàn TP có 102.396 căn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó có 5.143 căn biệt thự và 97.253 căn hộ, nhà phố, chung cư. Ngoài 60 căn TP không bán mà phục vụ mục đích công ích thì TP chỉ còn 1.771 căn hộ chưa bán.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: