Lâm đồng coi công tác quy hoạch, quản lý đô thị gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá…
Ông Lê Quang Trung cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Bộ Xây dựng phát động cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đông lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020), tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (nói chung) luôn gắn liền với mức độ ngày càng phát triển về hình thái và cấu trúc của các đô thị trong tỉnh (nói riêng). Đến nay, Lâm Đông có 15 đơn vị hành chính được công nhận cấp đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 01 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V.
Trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản có đầy đủ các cấp độ quy hoạch theo quy định như: Quy hoạch vùng tỉnh, quy hoặc cấp vùng, quy hoạch cấp huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và thiết kế đô thị với tổng số 305 đồ án quy hoạch được phê duyệt và đang được các cấp, ngành tích cực triển khai thực hiện, làm cơ sở phục vụ đắc lực cho từng địa phương. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt trên 75% (dự kiến cuối năm đạt 90%). Tất cả các đô thị đã được ban hành quy định lộ giới và các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đối với nhà ở và công trình riêng lẻ.
(Ảnh: AD)
Về công tác quy hoạch, quản lý đô thị: Từ đầu nhiệm kỳ 2016 đến nay, Sở Xây dựng đã tập trung phối hợp với các địa phương trình việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch. Về cơ bản công tác lập và tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo thực hiện đúng định hướng và các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các đô thị đã được quy hoạch mở rộng đến ranh giới hành chính đô thị; việc mở rộng không gian đô thị đã tạo thêm không gian ở và khai thác quỹ đất xây dựng đô thị phù hợp định hướng phát triển lâu dài và theo kế hoạch phát triển cho từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành 3 Kế hoạch lập quy hoạch cho từng giai đoạn trung hạn nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương triển khai công tác quy hoạch. Việc UBND tỉnh ban hành các kế hoạch lập quy hoạch cho từng giai đoạn vừa qua là một trong các giải pháp đã được đánh giá cao.
Nhằm tăng cường chất lượng các đồ án quy hoạch, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế, hội thảo trong nước về các chuyên đề quy hoạch, kiến trúc; Tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch và thi tuyển kiến trúc công trình; Đồng thời, đã tăng cường công tác phản biện của các Hội nghề nghiệp chuyên ngành, của toàn bộ người dân trong vùng quy hoạch. Vì vậy, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý phát triển đô thị từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao vai trò của công tác quy hoạch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua.
Về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị: Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thời gian vừa qua. Vì vậy việc quan tâm đầu tư kết cầu hạ tầng đô thị là một trong các chương trình trọng tâm của các cấp ủy địa phương. Đến nay, các đô thị đang dần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị đã được công nhận. Vì vậy, chất lượng đô thị được nâng lên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng lân cận. Chính vì vậy tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 37,5% (2016) lên đến 40,2% (2020).
(Ảnh: AD)
Về giao thông đô thị:Trong thời gian qua các đô thị được tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, đã quan tâm phát triển giao thông vành đai đô thị để tạo điều kiện kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại và hướng đến mở rộng không gian đô thị. Hệ thống giao thông nội thị không ngừng được cải tạo nâng cấp đồng bộ. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 990 tuyến đường giao thông đô thị với tổng chiều dài khoảng 1.041km. Các tuyến đường này về cơ bản đã được đâu tư đồng bộ (từ nền đường, vỉa hè, cây xanh, thoát nước mặt và hệ thống chiếu sáng công cộng). Tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông đã tăng từ 80% (năm 2015) lên đến 87% (năm 2020), nâng mật độ đường giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt từ 7 – 10km/km2.
Về cấp thoát nước: Trong những năm vừa qua, các đô thị không ngừng nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước đảm bảo nhu cầu cấp nước sạch cho cư dân đô thị, chính vì vậy tỷ lệ người dân được cấp nước đã đạt được 70,5% nhu cầu sử dụng vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 70% (riêng thành phố Đà Lạt là 95%). Các nhà máy cấp nước đã và đang được cải tạo, nâng cấp, tăng công suất đảm bảo nhu cầu sử dụng của nhân dân trong tương lai.
Nhìn chung, các chỉ tiêu về lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị đã được quan tâm, đầu tư; việc quy hoạch đã được thực hiện đồng bộ theo quy hoạch chung xây dựng các đô thị, quy hoạch xã Nông thôn mới; cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ của Ngành đã đặt ra trong Chương trình hành động 5 năm của Ngành.
Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ và đề xuất giải pháp
Để giữ vững thành tựu đã đạt được, phấn đấu đạt những thành quả cao hơn, Sở Xây dựng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp sau:
Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kịp thời giải quyết những bất cập vướng mắc nhằm đảm bảo công tác quy hoạch thực hiện tốt việc hoạch định các chính sách, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm và trong dài hạn.
Trong đó, trọng tâm là tiếp tục điều chỉnh và thực hiện tốt quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; xây dựng đô thị Đức Trọng thành thị xã trong thời gian tới để các đô thị này làm động lực phát triển cho toàn tỉnh. Đặc biệt, triển khai xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị di sản đầu tiên của cả nước.
(Ảnh: AD)
Quản lý tốt việc phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Lâm Đồng bền vững, có kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, có bản sắc kiến trúc đô thị riêng, có môi trường sống chất lượng tốt và có tính cạnh tranh cao, phát triển theo mô hình đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, bền vững, đảm bảo yêu cầu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Sở Xây dựng sẽ thực hiện các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch phát triển đô thị. Quản lý quy hoạch, quản lý đô thị phải được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện và đây là bài học kinh nghiệm được rút ra trong thực tiễn thời gian qua. Xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp chính quyền, tăng cường công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt để việc đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo quy hoạch.
Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, các dự án trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo điều hành. Tập trung nguồn lực nhằm huy động tối đa những điều kiện, thế mạnh của từng địa phương, đơn vị.
Tăng cường vai trò giám sát của HĐND, các tổ chức mặt trận, đoàn thể và sự giám sát cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong xã hội để thực hiện tốt các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra.
Tiếp tục phát huy những kết quả thành tích đã đạt được trong thời gian qua trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng, lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng nói chung và đề ra biện pháp sớm khắc phục, sửa chữa những mặt tồn tại hạn chế.
Tập trung cải thiện đời sống, phát huy năng lực trí tuệ của mọi cán bộ, công chức và người lao động nhằm phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch hàng năm mà Bộ Xây dựng và UBND tỉnh giao; Xác định thời điểm tổ chức, phát động phong trào thi đua gắn với tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Ngành, đặc biệt là phát động các đợt thi đua nước rút cho các tháng cuối năm; Biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, học tập, lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi cao nguyên, nằm phía Nam Tây Nguyên giáp với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Dân số toàn tỉnh có 1.229.335 với tổng diện tích tự nhiên là 9.783,34km2, bao gồm 12 đơn vị hành chính, trong đó có 02 thành phố và 10 huyện (số liệu niên giám thống kê năm 2019). Về phân loại đô thị, toàn tỉnh có 15 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: