Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vẫn kiên trì quan điểm phải quản lý chặt để chống thất thoát, nhưng đồng thời cũng đơn giản thủ tục hành chính để giảm tối đa giấy phép xây dựng.
Đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2013, song dự thảo luật này còn một số vấn đề lớn cần chỉnh lý, giải trình, bao gồm cả tên gọi.
Trước ý kiến băn khoăn và đề nghị đổi tên là Luật Đầu tư xây dựng để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật - cho rằng, nên giữ tên Luật Xây dựng để cô đọng, dễ nhớ, dù bản chất luật này vẫn điều chỉnh toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng công trình.
Với một nội dung được nhiều vị đại biểu quan tâm là cấp giấy phép xây dựng, cơ quan thẩm tra phản ánh ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn và khả thi hơn đối với điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về điều kiện cấp giấy phép đối với công trình, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, ngoài đô thị, nông thôn. Theo đó, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình và nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khi chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được UBND cấp tỉnh ban hành.
Ngoài ra, do tính chất đa dạng về loại hình, quy mô, tính chất và địa bàn xây dựng công trình, nếu đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa hơn nữa các quy định về cấp giấy phép xây dựng thì sẽ phải thể hiện tương đối dài các nội dung mang tính kỹ thuật thuần túy. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị cho phép Chính phủ tiếp tục hướng dẫn chi tiết những quy định liên quan đến cấp giấy phép xây dựng còn chưa được đề cập đến trong dự thảo luật.
Dự thảo luật cũng đã được bổ sung quy định về điều kiện an toàn cho công trình, công trình lân cận và các yêu cầu về phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường... khi cấp giấy phép xây dựng, ông Dũng cho hay.
Tuy nhiên, ở cả hai lần phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều chưa yên tâm trước các quy định cấp phép mà theo ông còn nhiêu khê. "Sau khi luật được sửa đổi thì một công trình còn bao nhiêu giấy phép, nhiều hơn hay ít hơn so với luật hiện hành?", Chủ tịch hỏi.
Ông đề nghị loại bớt giấy phép đi để để đơn giản thủ tục cho dân. Lưu ý không quy định cấp phép với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, Chủ tịch cũng đề nghị loại nhà nào không phải cấp phép thì đưa ngay vào luật cho dân yên tâm. Với các loại giấy về điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ…, Chủ tịch cho rằng “ông xây dựng” phải hỏi mấy ông liên quan để quyết khi cấp phép chứ không thể bắt dân chạy đủ các cửa, bởi “mỗi cửa xin phép đều cơ hàn”.
Yêu cầu đơn giản tối đa thủ tục, song Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm.
“Hứa” sẽ làm rõ hơn các nội dung Chủ tịch đề cập và tiếp thu đầy đủ các góp ý để tiếp tục chỉnh lý dự thảo luật, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vẫn kiên trì quan điểm phải quản lý chặt để chống thất thoát, nhưng đồng thời cũng đơn giản thủ tục hành chính để giảm tối đa giấy phép xây dựng.
Đối với các dự án đầu tư có xây dựng công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì sẽ quản chặt chi phí, quản chặt kỹ thuật và thiết kế để khắc phục hiện tượng nâng khối lượng và giá trị công trình cũng là điều được Bộ trưởng Dũng hơn một lần nhấn mạnh trong quá trình soạn thảo dự luật.
Theo quan điểm đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) không điều chỉnh việc phân bổ vốn và quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mà tập trung điều chỉnh việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và các yếu tố đặc thù mang tính kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành như: quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế xây dựng, định mức, đơn giá xây dựng, tổng dự toán, chất lượng, an toàn công trình xây dựng...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: