Sáng 6/4, tại cuộc đối thoại trực tuyến liên quan tới thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang tái khẳng định, trong khi chưa sửa Luật Đất đai 2003 thì vẫn áp dụng luật hiện hành. Theo Luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó.
"Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn", ông Quang khẳng định.
Ngoài ra, khi thời hạn sắp hết, đối với đất nông nghiệp vẫn tiếp tục cấp "sổ đỏ" (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) bởi đây là nhu cầu thường xuyên, chính đáng, phù hợp với luật hiện hành. "Thời hạn theo quy định tại khoản 1 điều 67 của Luật đất đai 2003 tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các ngân hàng yên tâm cho người nông dân vay vốn sản xuất, không gây đứt đoạn", Bộ trưởng Quang cho biết.
Ông Quang giải thích thêm, đối với một số loại đất không thuộc diện trên, như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp thì cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ nghiên cứu, xây dựng. Hiện, Bộ chuẩn bị thông tư hướng dẫn.
"Quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường là giao đất nông nghiệp ổn định, lâu dài". Ảnh: Nguyễn Hưng.
Người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường khẳng định, quan điểm của bộ thì đất nông nghiệp là giao ổn định, lâu dài. Hiện, các địa phương dồn điền đổi thửa thì có sắp xếp đất đai, có thể có điều chỉnh đối với một số trường hợp nhất định như gia đình có người mất, không làm nông nghiệp nữa, chuyển đi nơi khác.
"Theo tôi, với trường hợp này cần bàn bạc trong cộng đồng với sự tham gia của người sở hữu quyền sử dụng đất để đạt sự đồng thuận. Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng nữa thì Nhà nước sẽ thu hồi", ông Quang nói. Bộ trưởng cũng cho rằng, tới năm 2020, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35%, các vấn đề đất nông nghiệp sẽ không còn quá bức xúc.
Trả lời câu hỏi của độc giả Khuất Văn Tuấn (Cao Bằng) trong buổi đối thoại trực tuyến về vấn nạn hầm vàng chui, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, tình trạng đào đãi vàng trong thời gian qua ở các tỉnh miền núi gây nhiều hệ lụy môi trường lẫn tiêu cực xã hội. Theo Bộ trưởng, cần bảo vệ tài nguyên đất nước bởi đó là trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau.
Thừa nhận thời gian qua, việc quản lý các hoạt đông khai khoáng "khá mở", người đứng đầu ngành tài nguyên cho rằng bên cạnh những mặt được "cái mất là không ít". Cho nên cần phải siết chặt, kiềm chế.
Riêng đối với vàng sa khoáng, Bộ sẽ kiểm tra, những dự án vàng thực sự không ảnh hưởng, không tác động về mặt môi trường, xã hội nhiều thì có thể cho tiếp tục nhưng phải kiểm tra chặt chẽ. "Xin khẳng định, Bộ sẽ không cấp mới giấy phép cho dự án về vàng sa khoáng", ông Quang nhấn mạnh.
Liên quan tới tình hình ô nhiễm nước sông Hồng tại Lào Cai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, sông Hồng đầu nguồn từ nước ngoài vào, nên chịu tác động của 2 vấn đề. Một là nước từ bên kia sang, thứ hai là của Việt Nam. Bộ đã lấy mẫu, quan trắc song việc xử lý không đơn giản do liên quan tới quan hệ hai nước. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: