Nhiều người vay tiền mua nhà đang gặp khó khăn vì mất thu nhập do dịch bệnh
Từ mức thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi tháng nhưng nay vợ chồng anh Hùng (TP. Thủ Đức) không còn khoản thu nào. Trước đây, việc kinh doanh quán cà phê nhỏ giúp anh chị có thu nhập ổn định nhưng từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát thì công việc không còn suôn sẻ.
Khó khăn đỉnh điểm là khi thành phố áp dụng chỉ thị 16, không cho bán mang về buộc anh Hùng phải đóng cửa quán. May mắn hơn nhiều người kinh doanh khác, anh Hùng không áp lực tiền thuê mặt bằng vì tận dụng khoảng sân nhỏ và tầng trệt nhà mình để mở quán.
Tuy nhiên, điều khiến anh Hùng lo lắng nhất bây giờ là số tiền gốc lãi mỗi tháng từ khoản vay 1,5 tỉ đồng từ ngân hàng để mua nhà. Bao nhiêu tiền tích cóp anh đã dồn vào mua nhà với mở quán cà phê nên bây giờ rất khó để cầm cự nếu không được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi, cho gia hạn nợ vay.
“Mới đây, tôi đọc báo thấy ngân hàng vẫn báo lợi nhuận khủng dù dịch bệnh trong khi đó người dân đang kiệt quệ. Thực sự chúng tôi đuối lắm rồi, nếu ngân hàng không hỗ trợ kịp thời chắc chết mất”, anh Hùng nói.
Niềm vui có được căn nhà đầu tiên của chị Hiền đang nhường chỗ cho nỗi lo lắng. Năm 2020, chị Hiền mua được căn hộ ở TP. Thủ Đức với giá gần 2 tỉ đồng, trong đó tiền vay ngân hàng là 1 tỉ đồng. Thu nhập của hai vợ chồng thời điểm đó đủ để trang trải số tiền lãi gốc mỗi tháng gần 15 triệu đồng.
Dù có nhà nhưng anh chị không dám ở mà cho thuê với giá 7 triệu. Hai vợ chồng tiết kiệm thuê căn trọ nhỏ giá 3 triệu đồng mỗi tháng để có thêm khoản tiền dư bù vào trả cho ngân hàng.
Thế nhưng, đợt dịch bùng phát mới nhất đã khiến cho công việc của hai vợ chồng chị Hiền bị ảnh hưởng. Thu nhập hàng tháng giảm hơn 60% so với lúc trước khiến kế hoạch trả nợ ngân hàng là thách thức lớn.
Khó khăn chồng chất hơn khi gần đây bên thuê nhà cũng ngỏ ý xin giảm giá thuê vì mất việc. Chị Hiền khó xử vì mình cũng đi thuê không được giảm tiền nhà còn phải trả nợ ngân hàng. Nhưng nếu không giảm thì người thuê khó khăn họ bỏ không thuê nữa thì càng khổ. Sau nhiều lần cân nhắc, chị Hiền giảm 500.000 đồng cho khách và nói khéo để họ hiểu thông cảm.
“Nhà nước kêu gọi chủ nhà giảm tiền thuê cho khách nhưng có ai giảm tiền trả nợ cho chủ nhà đâu. Đúng ra, trong hoàn cảnh này ngân hàng nên hỗ trợ giảm lãi vay hoặc gia hạn tiền cho chủ nhà. Vì không phải ai mua được nhà cũng là có điều kiện cả”, chị Hiền nói.
Anh Khang đặt mua một căn hộ tại dự án đang xây dựng ở huyện Bình Chánh cũng đang đứng ngồi không yên vì không có đủ tiền để thanh toán đợt kế tiếp. Mặc dù, chủ đầu tư cũng đã có những chính sách, hỗ trợ cho khách hàng nhưng anh Khang lo lắng nguy cơ bị huỷ hợp đồng vì không còn khả năng thanh toán.
Dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh ngưng trệ, doanh nghiệp phá sản
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 kéo dài mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp, người dân bây giờ là được các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ. Thực tế, trong thời gian qua nhiều ngân hàng đã có động thái này.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, sẽ tiến hành giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức giảm trung bình 1,5% trong thời gian từ ngày 15/7-31/12/2021. Theo ước tính ban đầu, sẽ có hơn 8.500 khách hàng được giảm lãi suất là các doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên của Chính phủ, doanh nghiệp SME, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho biết sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Trước đó, Sacombank, TPBank, MB, VietCapital Bank, Vietcombank, BIDV, Agribank đều đã có công bố về việc sẽ giảm lãi suất tiền vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19.
Mới đây nhất, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ giảm lãi suất vay khoảng 2%/năm với các đối tượng, trong đó có khách hàng vay mua nhà.
Theo một chuyên gia bất động sản, mặc dù các ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất nhưng vẫn chưa là gì so với kì vọng của người dân. Theo ông, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gia hạn các khoản nợ trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 như hiện nay là hợp lý và cần thiết. Bới vì, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân hàng thì người dân, doanh nghiệp sẽ mất khả năng trở nợ và món nợ đó sẽ thành nợ xấu không ngân hàng nào mong muốn.
Tuy nhiên, nhà băng cần tính toán để việc hỗ trợ thật sự hiệu quả và đúng đối tượng cần giúp đỡ, bởi thực tế trong bối cảnh đại dịch vẫn có những doanh nghiệp ăn nên làm ra.
Do đó, ngân hàng cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động. Đối với người mua nhà, chỉ hỗ trợ những người mua nhà lần đầu tiên, mua nhà với mục đích ở thực.
“Thực tế hiện nay có rất nhiều người kêu ca đòi ngân hàng hỗ trợ nhưng lại đang nắm trong tay hàng loạt bất động sản. Họ là những người đầu tư, đầu cơ xưa nay chỉ sử dụng vốn vay từ ngân hàng. Với những người này thì nên tự tìm cách cứu mình bằng việc bán bớt tài sản nếu không muốn sa lầy”, vị chuyên gia này cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: