KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội |
Di dời trụ sở các bộ ngành là một xu thế tất yếu
Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc di dời trụ sở các bộ ngành ra khỏi trung tâm Hà Nội theo quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Việc bố trí trụ sở các bộ ngành TW là tồn tại của nhiều giai đoạn lịch sử. Sau khi Hà Nội mở rộng (2008) đã tạo ra nhiều tiềm năng mới để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị có sức hấp dẫn của thế giới nhưng đồng thời cũng xuất hiện thêm những tồn tại cần xem xét. Trong những nội dung để Hà Nội vươn lên như vậy có một vấn đề là trụ sở của các bộ ngành TW.
Cần phải xem xét lý do vì sao phải sắp xếp lại di dời các trụ sở bộ ngành.
Thứ nhất, hiện nay trong nội đô lịch sử của Hà Nội có khoảng hơn 30 các bộ ngành TW, phần lớn ở các vị trí là khu dân cư đông, hạ tầng kỹ thuật đang quá tải, vị trí trụ sở của các bộ ngành được bố trí dễ tác động đến vấn đề xã hội khác như vấn đề về giao thông các điểm đỗ xe, mối liên hệ giữa các khu vực…
Thứ hai, trong số hơn 30 bộ ngành TW hiện nay thì diện tích các bộ ngành hiện nay là rất hẹp diện tích làm việc thiếu còn rất thấp so với tiêu chuẩn diện tích của các bộ ngành mà chính phủ đã phê duyệt từ năm 1998. Cho nên rõ ràng cần phải cải tiến cách làm việc gắn với cải thiện cơ sở vật chất. Đây là điều kiện để nâng cao năng lực của chính quyền lên. Vì vậy với trụ sở của hơn 30 bộ ngành như vậy thì việc di dời là tất yếu.
Thứ ba, trụ sở các bộ ngành sử dụng ở những khu vực công trình không có độ bền vững nhất định. Trong số hơn 30 các bộ ngành thì chỉ có khoảng gần 20 các bộ ngành là có trụ sở được gọi là cấp công trình I tức là nhà hiện đại bền vững còn phần lớn nhiều bộ vẫn còn là nhà cấp III thậm chí là nhà cấp IV hoặc nhà tạm để đảm bảo hoạt động. Vì vậy, việc cải tạo là nhu cầu tất yếu.
Thứ tư, sau khi Hà Nội mở rộng trong quyết định của Thủ tướng đã đặt ra vấn đề là phải rà soát lại, di dời các trụ sở làm việc của một số cơ quan đề tạo điều kiện xây dựng các khu trung tâm theo quy hoạch của TP Hà Nội. Và trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt khẳng định phải di dời, rà soát lại để bố trí trụ sở một số bộ ngành ở các khu vực trung tâm hành chính.
Như vậy, rõ ràng đặt ra vấn đề từ thực trạng của Hà Nội hiện nay việc di dời trụ sở các bộ ngành là một xu thế tất yếu.
Không phải là vấn đề gì mới
Việc di dời trụ sở các bộ ngành là một xu thế tất yếu, nhưng hiện nay kế hoạch di dời một số bộ ngành đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Đã nhiều năm làm quy hoạch, kiến trúc, nhìn vào cách thực hiện ông thấy vấn đề cần đặt ra là gì?
Đây không phải là vấn đề gì mới mà từ những quy hoạch được phê duyệt năm 1998 đã đặt ra vấn đề là phải nghiên cứu tổ chức sắp xếp lại trụ sở các bộ ngành TW, các tổ chức phi chính phủ và các trung tâm của các đơn vị hành chính của TP Hà Nội.
Với mục tiêu đề ra đã gần 15 năm qua nhưng chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể cho nên những năm vừa qua chúng ta mới giải quyết được một số bộ ngành như phần mở rộng thêm của bộ Công An ra khu vực TP giao lưu, Bộ Nội vụ, UB Khoa học và Kỹ thuật nhà nước nay là bộ KH&CN. Đã đặt ra vấn đề về bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Gần đây nhất, để thực hiện trung tâm hành chính có đặt ra vấn đề giải quyết trụ sở Bộ Ngoại giao.
Trụ sở cũ Thanh tra chính phủ vẫn chưa trả lại cho TP Hà Nội
Hiện nay, TP Hà Nội vẫn còn để cho các bộ ngành sử dụng đất tại các trụ sở cũ như Bộ KH – CN, Thanh tra chính phủ. Đó là sự chưa hợp lý. Như vậy vô hình chúng ta vẫn đang tiếp tục tạo áp lực vào khu vực nội đô.
Phải chăng ở đây chúng ta thiếu một cơ chế chính sách hợp lý, thiếu sự điều tiết giám sát chặt chẽ. Đặt vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành trong quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, bên cạnh yếu tố quy hoạch tức là làm rõ vị trí địa điểm mới đến thì cần có cơ chế chính sách và cần phải xem xét đúng mức cách làm chúng ta mới giải quyết được những tồn tại của những năm vừa qua.
Các bộ ngành không có quyền bán
Việc “hậu di dời” của các bộ ngành hiện nay đang đặt ra nhiều dư luận trái chiều với câu hỏi "Đất vàng sẽ rơi vào tay ai?". Có quan điểm cho rằng nên để các bộ chủ động bán – xây trụ sở mới theo cơ chế thị trường. Một số bộ cũng đã đề xuất thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng – Chuyển giao), xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Ở nước ta, đất đai là công thổ quốc gia, đất đai do nhà nước quản lý. Điều này đã được ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Trụ sở các bộ ngành là đất của nhà nước nhưng giao cho các bộ ngành sử dụng, cơ quan quản lý là TP Hà Nội chứ không phải của các bộ nên không các bộ không có quyền mua – bán – chuyển nhượng. Như vậy, TP Hà Nội có trách nhiệm di dời, xác định vị trí các bộ ngành và tính toán sự cân đối giữa địa điểm cũ với địa điểm mới.
Đối với các bộ ngành di dời, không nên đặt vấn đề thu rồi lại chi mà vấn đề đặt ra là cấp đất mới, thu đất cũ chứ không phải là bán đất cũ để rồi lại bù vào cho chỗ mới.
TP Hà Nội cũng cần phải sớm công bố chức năng sử dụng đất của từng khu vực bộ ngành như vậy mới có thể xác định được giá trị của mỗi trụ sở.
Bộ Xây dựng được đề xuất bán sau đó làm nhà ở
Vấn được coi là "khu đất vàng', "mỏ vàng lộ thiên", theo ông những khu đất của các bộ ngành cũ nên sử dụng như thế nào?
Địa điểm sau khi các bộ ngành chuyển đi chúng ta cần phải xem xét đến giải pháp thích hợp. Với định hướng của TP Hà Nội thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – Hiện đại hóa trước cả nước 1 – 2 năm phát triển Hà Nội xanh và văn minh, văn hiến thì rõ ràng Hà Nội hiện nay đang thiếu diện tích xây dựng các không gian xanh, công trình công cộng đặc biệt các công trình văn hóa, trường học. Trong quy hoạch đã khẳng định, sau khi các bộ ngành di dời thì TP Hà Nội sẽ tiếp nhận để xây dựng các công trình trụ sở này thành các công trình văn hóa, công viên, nơi vui chơi giải trí…Tuyệt đối không thể xây dựng các công trình thương mại như vậy sẽ không thực hiện được mục tiêu của việc di dời làm giảm tải cho khu vực nội đô.
Nhiều trụ sở của các bộ ngành còn có chức năng là di sản kiến trúc như trụ sở Bộ GTVT. Đó là công trình kiến trúc của thời Pháp rất có giá trị nếu chúng ta đấu giá mà họ phá đi thì sẽ rất nguy hại ảnh hưởng đến diện mạo di sản.
Người cầm trịch phải là UBND TP Hà Nội
Theo ông, vấn đề cơ bản trong việc thực hiện di dời trụ sở các bộ ngành là gì?
Giải pháp tối ưu nhất hiện nay là phải rà soát, lên tổng thể cho cả dự án trong đó xác định rõ vai trò của các bộ ngành và vai trò của TP Hà Nội. Chỉ rõ cho các bộ ngành nơi đến, nói rõ mục đích sử dụng của trụ sở cũ. Đồng thời phải đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất.
Việc di dời trụ sở các bộ ngành cũng như việc thu hồi đất cho việc GPMB. Rõ ràng nếu không phù hợp với quy hoạch thì phải thu hồi. Đặt vấn đề di dời trụ sở của các bộ hành thì cần tiến hành cung cấp đất sạch cho xây dựng trụ sở mới và thu hồi đất tại các trụ sở cũ. Vấn đề cũng phải được xem xét như việc thực hiện GPMB đã được phê duyệt và thực hiện.
Vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành đã được đặt ra gần 15 năm nhưng mới chỉ dừng lại được con số rất khiêm tốn. Thời gian thực hiện cũng chỉ còn khoảng 15 năm nữa, vì vậy để thực hiện được quy hoạch chung, TP Hà Nội cần phải thực hiện một cách kiên quyết hơn, có chính sách thu hồi đất và có cơ chế cấp đất mới rõ ràng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: