Các chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ trong lần khảo sáo dự án chuyển đổi số
Một số chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn về việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành BĐS và xây dựng: Proptech có phần chậm chân so với các ngành khác vì đặc thù của ngành.
Chậm chân vì quá đặc thù
Nguyên nhân đầu tiên đến từ BĐS là tài sản có giá trị cao, với nhiều người đó là tài sản tích lũy cả đời. Người mua nhà muốn được nhìn tận mắt tài sản họ mua, giao dịch mua bán phải có giấy trắng mực đen.
Nguyên nhân thứ hai là thủ tục pháp lý quá phức tạp dẫn đến nhiều hệ lụy. Chỉ riêng hồ sơ giấy tờ và pháp lý trong chuỗi cung ứng của lĩnh vực xây dựng, BĐS đã chiếm tới 25-30% chi phí trong cơ cấu đầu tư, theo thống kê của Global Property Guide.
Ông Thái cho biết ông từng chứng kiến những dự án có giá trị khoảng 8 tỷ đồng nhưng cần tới một xe ba gác chở tài liệu. Mỗi hồ sơ xin thầu có tới 100 chữ ký mà nếu có sai sót thì riêng việc xin lại chữ ký có thể mất tới cả tháng trời.
Nguyên nhân thứ ba, quá trình xây dựng, vận hành BĐS của đơn vị sở hữu BĐS hoặc được thuê để vận hành chưa minh bạch. Quy trình vận hành truyền thống đã bộc lộ nhiều điểm yếu mà doanh nghiệp (DN) chỉ nhận ra trong quá trình tiếp cận với công cụ số.
Để thay đổi cả một quy trình với nhiều DN là một thách thức. Nhưng họ không thể bỏ qua giai đoạn này. Ông Thái khẳng định rằng cần phải quy trình hóa rồi mới số hóa. Việc này không chỉ tiết kiệm được chi phí quản lý mà còn quản lý được sản phẩm BĐS từ khi còn là đất trống cho đến khi xây dựng hoàn thiện và bảo trì. Các giai đoạn này được thực hiện chỉ bằng những cú click chuột.
Cần kết nối tất cả thành phần
Nhu cầu chuyển đổi số của ngành không chỉ gói gọn trong nhu cầu giữa người mua và người bán. Lĩnh vực BĐS và xây dựng còn có nhu cầu kết nối trong toàn chuỗi cung ứng.
Ngành BĐS và xây dựng đang đối mặt với nhu cầu ngày càng đa dạng hơn nên việc kết nối giữa DN trở nên rất phức tạp. Theo ông Thái: “Làm cách nào để một người ở Hà Nội có thể xây dựng biệt thự, resort ở Cà Mau hay Phú Quốc nếu họ còn mơ hồ. Chắc chắn họ muốn vừa quản lý được công trình, vừa muốn tối ưu chi phí, nhưng không có công cụ quản lý nên đôi khi đành phó mặc. Đó là chưa kể tới trường hợp họ gặp phải những nhà thầu “rởm” và bàn giao công trình không đảm bảo chất lượng so với cam kết ban đầu.
Đã tới lúc mà người ở Mỹ có thể thuê nhà thầu ở Hà Nội xây dựng nhà ở Phú Quốc với thiết kế của kiến trúc sư ở Pháp và giám sát công trình ở Singapore. Vị chuyên gia này tin rằng, công nghệ sẽ tạo ra tính xuyên biên giới như cách mà nhiều người mua một món hàng trên Amazon hay Taobao hiện nay.
Để đáp ứng được nhu cầu mới, chuyển đổi số trong ngành đã phức tạp hơn và phải bao quát được cả quy trình trong ngành. Theo ông Trương Thành - người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của XIXO thì ngành BĐS và xây dựng cần một nền tảng chung để kết nối nhiều thành phần trong hệ sinh thái.
Đó có thể là giữa tổ đội với tổng thầu, giữa DN sản xuất, cung ứng và tư vấn với DN BĐS, xây dựng công nghiệp hay giữa kết nối người cần mua và người cần bán. Qua đó, mọi thành phần của hệ sinh thái tài sản gắn liền với BĐS đều có thể kết nối, giao dịch và truyền giá trị cho nhau thông qua hợp đồng thông minh.
Ông Thành cũng cho rằng công nghệ blockchain sẽ đáp ứng được nhu cầu về tính minh bạch khi ngành chuyển đổi số. Công nghệ này bảo đảm được nhu cầu bảo mật và tính tiện lợi khi thực hiện các giao dịch O2O (online to offline). Khách hàng chỉ cần có ý tưởng và ngân sách, việc còn lại sẽ do công nghệ thực hiện.
Công nghệ blockchain giúp tạo ra những giao thức thanh toán cho từng quy trình từ việc thiết kế, chọn vật liệu và thuê người giám sát sau khi hợp đồng thông minh được ký. Trước kia, khách hàng ở Hà Nội muốn xây nhà ở Phú Quốc, thì phải gọi hàng trăm cuộc điện thoại trao đổi rồi phó mặc cho nhà thầu. Hiện nay, công nghệ đã giúp họ lựa chọn, tìm kiếm nhà thầu, vật liệu xây dựng, thiết kế, thi công… và nhận báo cáo hằng ngày trên máy tính.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS, xây dựng vẫn cần nhiều thời gian để thực hiện. Ông Thái cho rằng việc chuyển đổi số đã diễn ra ở các ngành khác và đã gặt hái nhiều thành công như Uber, Grab và AirBnB.
Việc của những người tiên phong phải là kiên định xây dựng cuộc chơi và chứng minh hiệu quả. Khi ấy, DN khác dù muốn dù không cũng phải chuyển mình. Theo nghiên cứu của EY và CREtech, 75,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã được rót vào thị trường Proptech kể từ 2015 và gần như 1/3 trong số đó được thực hiện năm 2019.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: