Nhưng khi hậu quả thiệt hại để lại từ việc phải đập bỏ hơn 430 căn nhà xây lụi với giá trị xây dựng hàng chục tỷ đồng khiến nhiều người nghèo bức xúc về chỗ ở lỡ mua nhà xây lụi phải lao đao hiện vẫn chưa truy được người liên quan cùng chịu trách nhiệm. Thì ngày 11/2 vừa qua Công an huyện Bình Chánh lại tiếp tục bắt quả tang 2 cán bộ địa chính và trật tự đô thị ngang nhiên nhận 10 triệu đồng từ người dân để “bảo kê” việc xây nhà trái phép trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B.
Về phía đầu nậu bảo kê xây dựng trái phép, đã có 52 đầu nậu chuyên bao thầu cho xây dựng trái phép tại huyện Bình Chánh bị điểm mặt; thành phố cũng đã chỉ đạo điều tra sai phạm của các đối tượng này để truy tố trước pháp luật nhưng hiện số đông vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tình trạng này đang khiến hoạt động xây dựng trái phép tại Bình Chánh có nguy cơ bùng phát trở lại.
Theo lời ông Chỉnh, một người chuyên môi giới về nhà đất ở vùng ven, thì chỉ cần nhìn những ngôi nhà đang xây dựng không niêm yết công khai biển báo công trình và giấy phép xây dựng phía trước, đó chắc chắn là nhà xây trái phép. Với những căn nhà người dân đã xây dựng, vào ở cũng vậy, hoặc không có số nhà; hoặc diện tích không đủ theo quy định để được tách thửa, cấp sổ, cấp số nhà tạm, đích thị đó cũng là nhà xây không phép… Chúng tôi đã ghi nhận được ở những khu vực có đất nông nghiệp bỏ hoang nằm xen trong khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc B, tình trạng nhà xây không phép, nhà lá, nhà quây bằng tôn cũ được dựng tạm vẫn nhan nhản.
Nhà tạm, nhà xây cất trái phép mới mọc lên trên đất nông nghiệp ở xã Vĩnh Lộc B.
Tại địa bàn xã Vĩnh Lộc A, theo ông Trần Quốc Quay, Chủ tịch UBND xã, để kiểm soát xây dựng trái phép, hằng ngày chính quyền xã yêu cầu các trưởng ấp phải có báo về xã tình hình xây dựng trái phép trên địa bàn. Ngay khi phát hiện, xã sẽ cử lực lượng xử lý dứt điểm. Nhưng tình trạng lén lút xây cất nhà trên đất nông nghiệp tại xã này vẫn cứ diễn ra. Hiện với nhiều xã ở Bình Chánh, số phận cả ngàn căn nhà không đủ diện tích đất để tách thửa theo quy định; nhà không số, nhà tạm bằng tôn, lá đã được xây cất từ trước đó trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch vẫn chưa có hướng xử lý. Trong khi đó, tình trạng quy hoạch quản lý đô thị đi sau quy hoạch tự phát của người dân đã phá nát kiến trúc của những khu dân cư ngoại ô ở Bình Chánh. Bởi những căn nhà bé như hộp diêm được xây cất một cách trái phép, tự phát đang dần biến các khu dân cư ven đô trở thành những khu nhà lụp xụp.
Thực tế, sau bài học đập bỏ hơn 200 căn nhà xây dựng trái phép tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cách đây hơn 7 năm. Từ lâu tại các địa phương nóng về tình trạng xây nhà không phép như ở Bình Chánh, việc quản lý xây dựng trái phép đã được giao trách nhiệm xuống từng ban điều hành xóm, ấp. Thậm chí cả cấp ủy và các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư cũng được huy động vào cuộc để giám sát tình trạng xây cất trái phép. Do vậy, chỉ cần chở một xe gạch, xe cát, đá, xi măng đến địa chỉ nào cũng sẽ lập tức bị tai mắt cơ sở tại chỗ phát hiện. Chứ không thể có chuyện chính quyền cơ sở không biết, không nắm được; chính quyền các xã không thể đổ thừa cho tình trạng người dân lén lút xây nhà vào các ngày cuối tuần, khi phát hiện thì nhà đã xây xong.
Để ngăn chặn vấn nạn xây cất trái phép trên đất nông nghiệp, TP Hồ Chí Minh cũng đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như: Không giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú; không cấp số nhà, giấy phép kinh doanh, cắt điện, nước... song như ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban KT-NS của HĐND thành phố nhìn nhận: Đối tượng xây nhà không phép, trái phép chủ yếu là những người thực sự có nhu cầu về nhà ở. Do vậy nếu chỉ giải quyết bằng biện pháp cưỡng chế, đập bỏ sẽ không chấm dứt được tình trạng xây cất nhà trái phép. Đặc biệt là trước thực trạng các khu công nghiệp của thành phố đều không có hạ tầng xã hội, khiến người dân phải quy hoạch tự phát để đáp ứng nhu cầu về nhà ở như hiện nay
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: