Báo cáo của Bộ này cho thấy, trong tổng số năm dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo phương thức PPP, sau khi mở thầu và đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu (ngày 12/10/2020) có bốn dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (gồm các đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo); một dự án Nghi Sơn-Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Khác so với các dự án BOT giai đoạn trước đây, đại diện Bộ GTVT đánh giá, các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đã được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng như triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng bằng vốn Nhà nước, đến nay đạt khoảng 92% khối lượng; hiệu quả tài chính được cải thiện rõ rệt do có sự tham gia vốn Nhà nước trung bình chiếm 51% tổng vốn đầu tư (khoảng 19.987/39.426 tỷ đồng của năm dự án).
Mặt khác, mức lãi suất huy động vốn vay tính toán trong hồ sơ mời thầu xác định bằng bình quân trung bình lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của ba ngân hàng thương mại nên phù hợp với thị trường; việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch...
Vốn cho các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam vẫn là vấn đề then chốt
Chưa kể, tuyến đường này được đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín nên đảm bảo công bằng, có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ; mức thu phí sử dụng dịch vụ được quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ.
Tổng vốn đầu tư trong hồ sơ mời thầu được xác định theo thiết kế kỹ thuật, dự toán được duyệt nên chi phí đầu tư được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tuy vậy, Bộ GTVT nhìn nhận, việc triển khai thành công dự án cao tốc Bắc- Nam còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường, đặc biệt là khả năng huy động tín dụng.
Đối với dự án thành phần cao tốc Nghi Sơn- Diễn Châu không có nhà đầu tư tham gia, phải hủy bỏ thầu, Bộ GTVT cho rằng, đây là dự án có tỷ lệ huy động vốn tín dụng lớn (15.551 tỷ đồng); trong khi hiện nay các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cung cấp tín dụng cho các dự án PPP.
Bộ GTVT cho hay, ngay từ ban đầu, Bộ GTVT đã lường được khó khăn về vốn từ các nhà đầu tư. Bởi vậy, Bộ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để trao đổi về các cơ chế triển khai dự án.
Song theo quy định pháp luật về tín dụng, việc cho vay thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn.
“Ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án. Theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa sáu tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng.
Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng”, đại diện Bộ GTVT nhận định.
Bộ GTVT cho biết, Bộ đã báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư theo hình thức BOT nhằm tạo niềm tin, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong giai đoạn tới.
Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức PPP để sớm áp dụng và triển khai các dự án.
Đối với năm dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam đầu tư theo hình thức PPP, trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: