Tạo nguồn tài chính để đầu tư xây mới
Năm 2001, Chính phủ đã ra quyết định thí điểm xử lý, sắp xếp lại nhà, đất trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Việc thí điểm đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất; đã khai thác được quỹ đất dôi dư đưa vào sử dụng hoặc bán, tạo vốn cho đầu tư phát triển.
Từ kết quả này, Chính phủ đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và quyết định triển khai áp dụng trên toàn quốc thông qua Quyết định 09. Theo chính sách này, toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được bố trí, sắp xếp lại theo nguyên tắc: Cơ quan, đơn vị được chủ động sắp xếp lại nhà, đất được giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; số nhà, đất dôi dư được phép bán, chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng; nếu bố trí, sử dụng sai mục đích mà không thực hiện sắp xếp lại thì thu hồi.
Sau hơn 6 năm thực hiện, việc sắp xếp lại đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc hoặc được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới, đầu tư chiều sâu, tăng thêm năng lực sản xuất kinh doanh; dành quỹ đất có lợi thế thương mại cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ; đồng thời dành quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện và các công trình phúc lợi khác của địa phương... góp phần chỉnh trang quy hoạch lại đô thị theo hướng văn minh hiện đại.
Còn không ít tồn tại
Mặc dù việc sắp xếp lại nhà, đất đã bước đầu đạt được các mục tiêu đề ra, nhưng theo tổng hợp từ Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, về tiến độ tổng thể sắp xếp hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Tổng hợp từ Bộ Tài chính cho thấy, tiến độ tổng thể sắp xếp hiện vẫn còn chậm so với yêu cầu. Ảnh minh họa, nguồn: gvietgroup.vn
Nguyên nhân do một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Đến nay còn một số đơn vị, địa phương chưa tập trung và triển khai triệt để, hoặc đã triển khai nhưng chưa báo cáo cụ thể kết quả thực hiện như: Văn phòng Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Tổng hội y học Việt Nam... và các tỉnh: Bình Phước, Đà Nẵng, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ...
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nắm rõ đối tượng phải sắp xếp là các cơ sở nhà đất, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Do vậy, chỉ tập trung triển khai sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà đất do các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đang quản lý, mà chưa thực hiện sắp xếp đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý như tỉnh: Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Sóc Trăng...
Ngoài ra, công tác báo cáo, kiểm tra sau khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền chưa được quan tâm đúng mức và chưa có cơ chế cụ thể. Vì vậy, việc nắm bắt tình hình thực hiện cũng như những vướng mắc cần tháo gỡ để phối hợp xử lý chưa được kịp thời.
Một số đơn vị sau khi được phê duyệt phương án xử lý vẫn tiếp tục cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định, không chấp hành thời hạn thực hiện phương án xử lý...
Đưa việc sắp xếp lại nhà, đất đi vào nề nếp
Để việc sắp xếp lại nhà, đất đi vào nề nếp tăng hiệu quả quản lý, tại hội nghị sơ kết về công tác sắp xếp lại nhà, đất; thực hiện quy chế tài chính phục vụ di dời và xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước đang được Bộ Tài chính tổ chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố chưa hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất cần tập trung chỉ đạo, có kế hoạch và biện pháp cụ thể để đảm bảo sớm hoàn thành công tác này.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đối với các cơ sở nhà đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án, đặc biệt là các trường hợp sử dụng sai mục đích như cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở; đẩy nhanh tiến độ bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các cơ sở nhà đất đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Xử lý kịp thời các trường hợp chậm báo cáo kê khai, đề xuất phương án hoặc không thực hiện xử lý theo phương án đã được phê duyệt.