Lượng thép sản xuất của các doanh nghiệp trong nước luôn gặp phải khó khăn tồn đọng và cạnh tranh giá bán trên thị trường từ thép nhập khẩu. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Một cán bộ ngân hàng tại Hải Phòng cho hay, hiện ngân hàng đang “cảnh giác” với các đề nghị vay từ doanh nghiệp liên quan tới các sản phẩm thép. “Cho vay liên quan tới thép thời điểm hiện tại tiềm ẩn rủi ro cao, do thị trường xây dựng trầm lắng và khả năng thu xếp vốn của ngân hàng khó khăn, lãi suất lại cao. Nếu trước đây doanh nghiệp vay thế chấp chính bằng hàng thì hiện tại chúng tôi yêu cầu phải có thêm tài sản đảm bảo”, vị này nói.
Nợ chồng lên nợ
Sự thắt chặt của ngân hàng đã làm nhiều doanh nghiệp thép của Hải Phòng càng thêm khó khăn. Cuối tháng 7.2011, các nhà máy luyện, cán thép của công ty cổ phần thép Vạn Lợi (An Hồng, An Dương) đã bị cắt điện. Lý do, các nhà máy của doanh nghiệp này đã nợ 11,2 tỉ đồng tiền điện. Về bản chất, thép Vạn Lợi đã ngừng sản xuất, và nếu có còn tiếp tục, thì dưới quyền giám sát, quản lý của các ngân hàng. Hiện có sáu tổ chức tín dụng đang là chủ nợ của doanh nghiệp này, với khá nhiều món nợ xấu, giá trị lớn.
Một cán bộ của điện lực Hải Phòng cho biết, các nhà máy của Vạn Lợi tại Hải Phòng đã nhiều lần trong tình trạng có thể bị cắt điện bất kỳ do nợ tiền điện. Nhưng mỗi khi chuẩn bị cắt, thì doanh nghiệp này lại “xoay” được tiền trả nợ ngành điện. Cho đến quý 2/2011, thì Vạn Lợi mới không trả tiền điện. Không chỉ có vậy, theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Hải Phòng, đến thời điểm kết thúc tháng 7.2011, các doanh nghiệp của Vạn Lợi vẫn còn nợ hơn 6,7 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội.
Đó là thực tế khác xa với tương lai của Vạn Lợi được “vẽ” ra hơn một năm trước. Thời điểm tháng 7.2010, trên sàn OTC, quy mô Vạn Lợi được “vẽ” với 14 doanh nghiệp thành viên, “doanh số khoảng 10.000 tỉ/năm và sẽ đạt 1 tỉ đôla vào năm 2012”. Giờ thì cả tập đoàn ấy còn không trả được nợ.
Thực tế, tại Hải Phòng, chi nhánh một ngân hàng thương mại lớn đã đưa khoản vay gần 250 tỉ đồng và trên 3,4 triệu USD đối với một doanh nghiệp thép vào nhóm 5 – nhóm dư nợ có khả năng mất vốn, mà không dám thực hiện các thủ tục phát mãi tiếp theo. |
Không riêng Vạn Lợi, nhiều doanh nghiệp thép của Hải Phòng cũng đang khó khăn, đặc biệt trong thời điểm hiện tại. Sau giai đoạn mới thành lập và có lãi, vài năm gần đây, công ty cổ phần thép Đình Vũ liên tục lỗ, có niên độ lỗ tới hàng trăm tỉ đồng. Và dù đã chuyển nhượng tới 70% cổ phần cho một tập đoàn đầu tư đến từ Úc, thì sản xuất hiện tại của công ty vẫn chưa có dấu hiệu tích cực hơn.
Công ty cổ phần luyện thép Sông Đà – thành viên của thép Việt Ý – mới đi vào sản xuất được hơn một năm với công nghệ được đánh giá là hiện đại, thì hiện tại không chạy hết công suất. Công ty cổ phần thép Cửu Long Vinashin cũng trong tình trạng tương tự...
Không dám xiết nợ
Theo khảo sát, đa phần các dự án sản xuất thép, phôi thép, gang... tại Hải Phòng đều có quy mô 300.000 – 500.000 tấn/năm, vốn đầu tư trên dưới 1.000 tỉ đồng. Phần lớn các dự án này đều sử dụng nguồn vốn vay rất lớn để xây dựng. Trong hoạt động, vốn lưu động của các doanh nghiệp cũng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào vốn vay. Do vậy, khi thị trường xây dựng trầm lắng vì tín dụng thắt chặt, thì sản xuất của các doanh nghiệp thép lập tức rơi vào khủng hoảng. Ở chiều ngược lại, sự khốn khó của doanh nghiệp đẩy ngân hàng vào thế buộc phải đưa các món nợ vào diện quản lý đặc biệt.
Theo ước tính của giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép, tổng số nợ ngắn hạn và dài hạn của các doanh nghiệp tại Hải Phòng với các tổ chức tín dụng hiện khoảng trên dưới 4.000 tỉ đồng. Trong đó, có rất nhiều nợ xấu.
Tuy nhiên, vị này nhận xét, cho đến giờ tình hình thu hồi nợ vẫn tương đối “phẳng lặng” vì bản thân các ngân hàng cũng không dám làm căng với doanh nghiệp. Lý do vì với các món nợ ngắn hạn, thì còn có hy vọng thu hồi khi thị trường phục hồi, doanh nghiệp sản xuất trở lại.
Với các món nợ đầu tư trung, dài hạn, ngân hàng càng “không dám” xiết nợ. Vì khi cho vay, công tác thẩm định hiệu quả dự án, thiết bị sản xuất nhập khẩu... có khi không kỹ lưỡng. Do đó, có nhiều thiết bị lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao lớn được đưa về với giá cao. Khi thị trường gặp khủng hoảng, người cho vay càng không dám thực hiện xiết nợ. Vì nếu có làm thì cũng không biết bán dây chuyền ấy cho ai để thu hồi nợ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: