Từ ngày 1/7/2014, Luật Đất đai sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành. Luật sư Trịnh Văn Quyết - Tổng Giám đốc Công ty Luật SMIC nhận định, Luật Đất đai 2013 có nhiều quy định hạn chế các trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất cũng như đảm bảo trình tự thu hồi đất được thực hiện công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích của người có đất bị thu hồi.
Rất nhiều chính sách mới áp dụng đối với đất nông nghiệp
Luật Đất đai sửa đổi được Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 29/11/2013 và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014, xin ông cho biết Luật Đất đai 2013 có những điểm mới nào đáng chú ý?
- Sau khi Luật Đất đai 2013 chính thức được ban hành, đã có rất nhiều bài viết tổng hợp về các điểm mới của Luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi xin không nhắc lại nhiều về những điểm mới của Luật Đất đai 2013, chỉ xin nhấn mạnh một số điểm mới mà tôi thấy rất có ý nghĩa sau đây:
Thứ nhất, Luật Đất đai 2013 quy định: khung giá đất sẽ được Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm một lần, trên cơ sở đó, bảng giá đất của từng địa phương được UBND cấp tỉnh công bố định kỳ 5 năm một lần. Trước đây, theo Luật Đất đai 2003 thì bảng giá đất được công bố hàng năm. Tôi cho rằng quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo tính bình ổn của thị trường bất động sản.
Thứ hai, về vấn đề thu hồi đất, Luật Đất đai 2013 quy định chi tiết và cụ thể hơn về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Các quy định này nhằm khắc phục, hạn chế các trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất và đảm bảo trình tự thu hồi đất được thực hiện công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích của người có đất bị thu hồi.
Thứ ba, Luật Đất đai 2013 đã có rất nhiều chính sách mới áp dụng đối với đất nông nghiệp và khu vực nông thôn. Điển hình là việc thống nhất thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân là 50 năm cho các loại đất nông nghiệp.
Thứ tư, Luật Đất đai 2013 mở rộng quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân, tổ chức nước ngoài hơn so với Luật Đất đai 2003. Các quy định mới cũng tạo sự bình đẳng về sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đó là những điểm mới của Luật Đất đai 2013 mà tôi đánh giá cao và đặc biệt quan tâm.
Đã thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất
Hình minh họa
Vấn đề thu hồi đất luôn có sự tác động trực tiếp đến người dân và cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối tượng của việc thu hồi đất. Luật sư đánh giá như thế nào về những quy định này trong Luật Đất đai 2013?
- Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể về 04 trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bao gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Các trường hợp áp dụng để thu hồi đất được quy định khá rõ ràng trong Luật Đất đai 2013.
Có thể nhận thấy, so với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 đã thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cụ thể, Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất. Ngoài việc quy định rõ ràng hơn về trường hợp thu hồi đất, Luật Đất đai 2013 còn quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi đất, điều kiện để người dân được nhận bồi thường, hỗ trợ khi có đất thuộc diện bị thu hồi.
Đây là những quy định không mới và đã được quy định tại những văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên, khi được xem xét để đưa vào văn bản luật sẽ tạo ra sự ổn định hơn trong chính sách về đất đai trong thời gian tới.
Coi trọng “tiếng nói” của người dân về phương án bồi thường
Luật Đất đai 2013 cũng quy định người dân có quyền tham gia trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Theo Luật sư, những quy định này có thực sự khả thi trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013?
- Theo tôi, Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể hơn về quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Khoản 2 Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định vai trò của người dân trong việc đưa ra ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cuộc họp trực tiếp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.
Điểm nổi bật nhất, theo tôi là quy định việc tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phải tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đây có thể xem là nơi để người dân bày tỏ quan điểm và nguyện vọng của mình cũng như đưa ra ý kiến cho phương án bồi thường phù hợp với tình hình thực tế. Có thể nói các quy định trên trong Luật Đất đai 2013 đã tạo thuận lợi cho người dân được tham gia trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Tuy nhiên, như tôi đã trình bày ở trên, việc thực thi các quy định của pháp luật còn cần có thời gian, đồng thời cũng phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định này khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!