“Chúng ta đang ngồi bàn nhau việc họ (người nước ngoài) mua nhà trên đất VN và họ được gì mà không đặt câu hỏi ngược lại, chúng ta được gì và nên làm thế nào để đôi bên cùng có lợi”, TS Hiếu mở đầu đề tài bàn về luật Nhà ở cho người nước ngoài tại VN.
Các nhà đầu tư tìm hiểu về thị trường bất động sản VN - Ảnh: D.Đ.M
Những lo lắng thiếu cơ sở
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc mở rộng quy định cho người nước ngoài mua nhà tại VN là rất hợp lý bởi 2 lý do. Thứ nhất, giúp thanh khoản thị trường bất động sản (BĐS) tốt hơn, đặc biệt phân khúc đang trong tình trạng trầm lắng và đóng băng là căn hộ cao cấp. Đây cũng là phân khúc nhiều người nước ngoài quan tâm nhất. Thứ hai, về mặt chính trị, khuyến khích người nước ngoài gốc Việt trở về định cư ở quê hương và tạo chính sách thông thoáng khuyến khích chuyên gia, nhà kinh doanh nước ngoài đến làm việc và đầu tư làm ăn lâu dài tại VN. “Thực tế, nếu không có nhu cầu, sẽ không có chuyện người nước ngoài đổ đến VN để mua nhà bởi giá nhà tại VN không thấp so với nhiều nước khác”, TS Hiếu nhận xét.
Trước những e ngại người nước ngoài mua nhà có thể chiếm nhà, chiếm đất nếu mở rộng cửa cho họ mua nhà tại VN, ông Hiếu nói ngay: “Đó là những lo lắng thiếu cơ sở”. Dẫn một trường hợp từng xảy ra ở Mỹ, ông Hiếu kể: Tại bang California cách đây gần 30 năm, người Mỹ từng chứng kiến những tập đoàn lớn của Nhật đến đầu tư ồ ạt vào BĐS của vùng này. Thậm chí, người ta lo ngại một nửa tiểu bang California sẽ sớm thuộc sở hữu của Nhật do tài sản quý giá nhất của một quốc gia là đất đai và con người. Thời đó cũng đã xảy ra một số cuộc biểu tình của người Mỹ phản đối người Nhật tại California. Tuy nhiên sau đó không lâu, đặc biệt từ cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều nhà đầu tư Nhật bán BĐS tại California với giá rẻ hơn giá mua vào để thu hồi vốn đầu tư. “Điều này chứng tỏ lo lắng của chúng ta là thiếu cơ sở và thực tế đến bây giờ, chưa có một hiện tượng nào người nước ngoài mua nhà tại một quốc gia để rồi tiến đến chiếm lĩnh đất đai của quốc gia đó. Ngoài nhu cầu ở là nhu cầu kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Nên học cách làm của Mexico
Đó là lời khuyên của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đối với các nhà làm luật của VN trong vấn đề này. Theo ông Hiếu, Hiến pháp của Mexico cũng có quy định không cho người nước ngoài sở hữu đất đai, như luật pháp về đất đai hiện tại của VN. Nhưng đến ngày 28.12.1993, Mexico ban hành luật Đầu tư cho người nước ngoài. Theo bộ luật này, bất cứ một người nước ngoài nào cũng có thể mua BĐS tại Mexico thông qua một ngân hàng thương mại tại Mexico.
Theo hình thức này, người nước ngoài sống và làm việc tại Mexico muốn sở hữu một BĐS tại quốc gia này phải chọn một ngân hàng thương mại tại Mexico và ủy quyền cho ngân hàng này mua BĐS theo yêu cầu của họ. “Ngân hàng thương mại sẽ lo tất cả những thủ tục hành chính, tìm nhà, thẩm định giá và ký hợp đồng mua nhà với người bán. Như vậy, ngân hàng sẽ trở thành bên mua trên giấy tờ qua sự ủy thác của người nước ngoài. Họ cũng có toàn quyền yêu cầu ngân hàng bán, chuyển quyền sở hữu, sang nhượng, cho thuê và kế thừa tài sản này cho người khác theo yêu cầu của mình. Ngân hàng không được phép đưa tài sản của người nước ngoài ủy quyền này vào sổ sách của mình và luật quy định ngân hàng chỉ là đối tượng được ủy thác mua tài sản mà thôi”, ông Hiếu giải thích.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, với luật pháp về nhà ở VN đang “rối như canh hẹ” hiện nay, việc ban hành điều khoản quy định về sở hữu nhà cho người nước ngoài tại VN như cách Mexico đang thực hiện là mô hình đáng tham khảo học hỏi.
Giúp kích cầu thị trường
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Nam Sơn - người sáng lập và điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, việc mở rộng cho người nước ngoài mua nhà tại VN là quá tốt, kích cầu thị trường BĐS đang bị đóng băng mấy năm nay. Đặc biệt với các trường hợp người nước ngoài đã vào VN, thuê nhà ở để làm việc từ 5 - 7 năm nay, họ đang đóng thuế thu nhập tại VN, sao lại gây khó khăn khi họ có nhu cầu mua nhà? Với người nước ngoài gốc Việt cũng vậy, họ về VN mỗi năm vài lần nên có nhu cầu mua nhà để khi về có chỗ ở... Vì vậy, không nên đưa ra những quy định ràng buộc như phải sống tại VN thường xuyên, phải có dự án đầu tư mới cho sở hữu nhà là quá vô lý.
“Tôi được biết có nhiều trường hợp phải nhờ người thân đứng tên trong khi để gia đình mình về ở. Và thực tế đã xảy ra không ít tranh chấp không đáng có trong việc đứng tên sở hữu nhà hộ này”, ông Sơn nói.
Làm ngược Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty VietEuro, người có 30 năm sống và làm việc tại Đức, cũng cho rằng những quy định giới hạn người nước ngoài mua nhà tại VN đến nay đã không còn phù hợp với tốc độ và xu hướng vận động của VN, đất nước đang phát triển “nóng” với nỗ lực mời gọi đầu tư nước ngoài để cùng phát triển. “Các nhà làm luật nhà ở VN chưa nghiên cứu cách thức thế giới ứng xử với đất đai của quốc gia mình như thế nào. Thậm chí chúng ta đang làm ngược lại những gì họ đang làm. Chẳng hạn, chưa bàn đến các vấn đề về quốc phòng, kinh tế, cạnh tranh giữa các quốc gia thì hiếm có quốc gia nào chấp nhận cho người nước ngoài thuê đất để trồng rừng mà đó phải là dự án của trong nước. Các quốc gia phát triển chỉ chấp nhận cho người nước ngoài mua nhà và sở hữu đất của ngôi nhà đó. Chúng ta lại đang làm ngược lại, sẵn sàng cho người nước ngoài thuê đất 50 năm để trồng rừng, nhưng không chấp nhận cho mua nhà”, ông Lâm nhấn mạnh. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: