Đó là khẳng định của ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, với Tuổi Trẻ ngày
17-12.
Ông Trương Văn Phước - Ảnh: Nguyễn Khánh
- Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã được đồn đoán trong hai năm nay, và diễn biến hôm qua chỉ là chuyện lựa chọn thời điểm. FED tăng lãi suất dựa vào hai yếu tố quan trọng: thất nghiệp thấp và xu hướng lạm phát. Khi ông Obama lên làm tổng thống, thất nghiệp ở Mỹ tới 8%, nay chỉ khoảng 5%, dự kiến xuống mức 4,7%.
Như vậy việc làm có chuyển biến tốt. Thứ hai là lạm phát hiện thấp nhưng có xu hướng tăng 2% trong một năm nữa, nên họ có biện pháp ứng phó. Qua việc tăng lãi suất, FED đã chính thức phát ra tín hiệu phục hồi vững chắc của kinh tế Mỹ.
* Nhưng nhiều ý kiến lo ngại việc Mỹ tăng lãi suất sẽ có ảnh hưởng tới VN cũng như các thị trường mới nổi khác. Theo ông, lo ngại đó đến mức nào?
- Về lý thuyết, việc FED tăng lãi suất sẽ có ba hệ quả đối với thị trường Mỹ. Thứ nhất là tiêu dùng giảm, tiết kiệm tăng. Thứ hai, USD sẽ tăng giá. Thứ ba, giá tài sản Mỹ giảm. Tuy nhiên thực tế, theo tôi, mức tác động sẽ ít bởi tác động thế nào phụ thuộc vào liều lượng. Có dự báo cuối năm 2016 lãi suất của Mỹ sẽ ở 1,5-2%, nhưng hiện mới tăng lãi suất 0,25%. Do vậy, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ tác động vô cùng ít đến VN.
* Đồng USD mạnh lên, điều người dân quan tâm nhất là liệu tỉ giá VND với USD có điều chỉnh. Theo ông, liệu có phải giảm giá VND?
- Như tôi đã nói, tác động tới VN là vô cùng bé. Lạm phát ở VN cũng đang rất thấp. Mà lạm phát tác động đến mất giá đồng tiền. Nhập siêu của VN cũng rất thấp, chỉ vài tỉ USD. Hơn nữa, VN vẫn là đất nước theo đuổi tăng trưởng cao, quy mô GDP của chúng ta vẫn bé nhỏ, chỉ dưới 200 tỉ USD. Đất nước vẫn cần dùng vốn nhiều để tăng trưởng, nên mặt bằng lãi suất của VN vẫn cao.
Với chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thì lợi thế nắm giữ VND vẫn cao hơn, nên tỉ giá vẫn có cơ sở ổn định. Nếu có nguồn ngoại tệ hợp pháp, người ta cân nhắc cái nào có lợi hơn giữa việc bán USD để gửi tiết kiệm bằng VND hay gửi bằng USD. Theo tôi, gửi VND vẫn có lợi hơn. Có thể nói nhìn dưới góc độ chính sách và thị trường, không có yếu tố nào để xảy ra biến động về tỉ giá.
* Vậy khả năng dòng vốn rút khỏi VN thế nào, thưa ông?
- Thử hỏi liệu có đảo chiều vốn đầu tư, có tình trạng rút vốn khỏi VN không? Theo tôi, lo lắng thì cứ lo, nhưng thực tế vốn đầu tư vào VN chủ yếu vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào nhà máy, phân xưởng để tận dụng lợi thế nhân công rẻ, chính sách ưu đãi thuê đất. Chẳng lẽ họ có nhà máy ở Bình Dương, Vĩnh Phúc nhưng do Mỹ tăng lãi suất, họ phải bán rồi rút tiền về? Đó là chưa kể ta mới ký cả chục hiệp định thương mại tự do, đặc biệt có TPP.
Nhiều doanh nghiệp thế giới đang tới VN tổ chức sản xuất để xuất vào các nước TPP, hưởng ưu đãi thuế quan. Với vốn đầu tư gián tiếp, lợi tức trên trái phiếu, cổ phiếu ở VN vẫn cao. Tại sao phải đi đâu mà không ở lại VN? Lợi tức là yếu tố thuyết phục nhất, thực tế nhất với nhà đầu tư. Đó là những lợi thế để họ tiếp tục đầu tư ở VN.
* Theo ông, FED tăng lãi suất sẽ cơ bản không ảnh hưởng lớn đến VN trong ngắn hạn. Còn trung hạn, trong năm 2016 thì sao?
- Thị trường không thể nói trước. Nước đi trên bàn cờ còn phụ thuộc nhiều thực thể khác ngoài Mỹ nữa. Nhưng trước mắt Trung Quốc và Nhật Bản, EU đều phản ứng thận trọng. Ta cần theo dõi cả đồng NDT, các yếu tố vĩ mô của VN... Nếu cứ giữ thế này, ta kiểm soát vĩ mô chặt chẽ thì sẽ không có biến động lớn trong năm 2015.
Còn năm 2016, theo tôi, VN vẫn cần duy trì tỉ giá ở mức ổn định. Một năm chúng ta điều chỉnh tỉ giá 3-5% là có thể chấp nhận được, còn cụ thể thế nào thì tùy vào tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp. Không rõ Ngân hàng Nhà nước có công bố trước mức điều chỉnh tỉ giá năm 2016 như năm ngoái không.
Ta có mục tiêu để VND theo diễn biến thị trường, thúc đẩy sức cạnh tranh của nền kinh tế, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. Nhưng theo tôi, dù FED có tăng lãi suất thế nào hay Trung Quốc phá giá NDT ra sao thì năm 2016 không nên giảm giá VND quá 5%.
Ngân hàng Nhà nước cần nói chuyện với thị trường. Hiện nay người dân có rất nhiều luồng thông tin. Việc cơ quan chức năng đưa thông tin chính thống cho thị trường, tạo niềm tin và tránh suy đoán không hợp lý là cần thiết.
Thông tin đưa ra cần có phân tích, tính toán đủ để thị trường, người dân tin vào nó. Chứ không họ thấy FED tăng lãi suất thì cứ đi mua một tí USD, không tăng thì để đó, có mất gì đâu. Điều này tác động đến cung cầu. Nếu có đầy đủ thông tin thì người dân sẽ có thái độ ứng xử đúng hơn.