Trước năm 2005, khi mở rộng tuyến đường Kim Mã, Ðào Tấn, các nhà quản lý đô thị đã sớm nhận thấy một thực tế là đường mở đến đâu nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên đến đó. Ðể ngăn chặn tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 39/2005/QÐ-TTg về việc hướng dẫn thi hành Ðiều 121 của Luật Xây dựng, trong đó ghi rõ: "Nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15 m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. Nếu phần diện tích đất còn lại từ 15 m2 đến nhỏ hơn 40 m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng không quá hai tầng". Quy định là thế, song nhiều nhà mặt đường các phố thủ đô, nhất là các tuyến mới mở đã không thực hiện đúng. Hiện tượng nhà siêu nhỏ, siêu mỏng với đủ kiểu kiến trúc kỳ dị tồn tại kéo dài và liên tục "tái xuất".
Năm 2007, Hà Nội thông xe đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa có chiều dài 550m với tổng mức đầu tư 642 tỷ đồng, được coi là "đắt nhất hành tinh", tính trung bình mỗi mét chiều dài tốn hơn một tỷ đồng, khi vừa hoàn thành cũng đồng thời cho ra đời những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đủ hình dạng nham nhở. Tháng 2-2010, nút giao thông Thanh Xuân được thông xe sau một năm xây dựng giúp nối thông tuyến vành đai 3 từ Mai Dịch đến Linh Ðàm cũng kéo theo cả loạt nhà siêu nhỏ, có ngôi nhà hình thang ba tầng gồm tầng một chưa đầy 10 m2, các tầng trên đua ra chiếm khoảng không khá lớn. Khu vực chân cầu Vĩnh Tuy khi hoàn thành giai đoạn một năm 2010 cũng không là ngoại lệ...
Và giờ đây, năm 2014 được coi là năm mở màn cho chiến dịch Trật tự văn minh đô thị. Cuộc họp của HÐND thành phố Hà Nội đầu tháng bảy vừa qua lại "nóng" lên với chất vấn về tuyến đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa (hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 1-4-2014) tái diễn 58 nhà siêu mỏng, siêu méo. Có thể thấy, nhà siêu mỏng, siêu méo với nhiều kiểu dáng kỳ dị làm xấu cảnh quan kiến trúc, không phù hợp với quy hoạch đô thị. Rất nhiều ngôi nhà không thể dùng cư trú mà chỉ làm nơi bán hàng, giao dịch. Vì ham mở rộng diện tích tầng trên cho nên nhà loại này có kết cấu không vững chắc, rất dễ đổ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.
"Cuộc chiến" với nhà siêu mỏng, siêu méo dường như không có hồi kết, làm đau đầu các cấp, ngành. Trả lời chất vấn của Hội đồng Nhân dân thành phố vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính là do Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) lập quy hoạch, chỉ giới mở đường trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định phê duyệt nhưng không kết hợp kiểm tra thực địa, không thống kê, rà soát hiện trạng các thửa đất dẫn đến phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo. Sở cũng khẳng định, tới đây, các đơn vị phải cam kết không còn tình trạng này mới được phê duyệt. Ngoài ra, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Ðống Ða chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết thực trạng này song chậm triển khai, hiện mới xử lý được 30 trong số 58 trường hợp. Thực tế cho thấy, một trong những vướng mắc lớn là việc áp dụng chính sách cơ chế thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng không được các hộ dân đồng thuận. Thêm vào đó, dù mảnh đất nhỏ hay méo thì thủ tục thu hồi vẫn phải theo quy định của Luật Ðất đai, vì vậy việc xóa các "thảm họa kiến trúc" không phải là chuyện dễ dàng.
MỘT phần nguyên nhân là ở ý thức người dân, song nguyên nhân quan trọng vẫn thuộc về công tác quản lý. Bên cạnh luật vẫn phải có phương pháp tốt để thực hiện, và nhất thiết phải quan tâm đến yếu tố tham gia của cộng đồng; làm thế nào để người dân hiểu được trách nhiệm của mình, từ đó tự giác chấp hành, hy sinh lợi ích riêng vì cái chung.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: