Bãi xe thông minh
Cần đột phá Tại buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội và Bộ GTVT sáng 20.2, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hà Nội đã thực hiện quyết tâm cao trong việc không cho đậu xe ở 262 tuyến phố. Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tĩnh, cần quy hoạch đầu tư xây dựng mới, đảm bảo diện tích đậu xe theo quy hoạch, khai thác triệt để các diện tích công cộng có thể bố trí điểm đậu xe và đặc biệt là sử dụng các bãi đậu xe hiện có một cách có hiệu quả hơn. Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Xây dựng điểm đậu xe cần cải tiến các thủ tục, thủ tục hiện nay lâu quá. Cần thiết ai đầu tư sẽ cho làm ngay để tạo ra sự đột biến, chứ theo trình tự sẽ rất lâu, vừa làm vừa lo thủ tục để tạo ra sự đột phá”. M.Hà |
Kỹ sư Vũ Đức Thắng - Phó chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) - cho rằng thông thường với các đô thị phát triển, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh (bãi đậu xe) bao giờ cũng chiếm ít nhất 5 - 10%, trong khi tại TP.HCM và Hà Nội tỷ lệ này đều dưới 1%. Do đó, nhiệm vụ của các nhà quản lý đô thị là phải tìm giải pháp cho thực trạng này thay vì để mặc người dân tự lo. Với điều kiện quỹ đất hạn hẹp như TP.HCM và Hà Nội, vấn đề quan trọng là phải tối ưu hóa diện tích sử dụng bằng cách khai thác không gian ngầm và nổi, cộng với các giải pháp công nghệ thông minh. Các dự án bãi đậu xe ngầm đã được quy hoạch gần chục năm nay song việc triển khai rất khó khăn, vì vướng thủ tục, kỹ thuật thi công phức tạp. Do đó, trong khi chờ đợi, TP nên đẩy nhanh các dự án bãi đậu xe trên mặt đất, bãi đậu xe nhiều tầng nhằm giải quyết nhu cầu trong giai đoạn ngắn và trung hạn.
“Một công nghệ mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng là bãi đậu xe thông minh. Đây là các bãi đậu xe nổi, nhiều tầng, sử dụng công nghệ xếp xe tự động. Khi xe đi vào bãi, việc đưa xe vào hay lấy xe ra đều được điều khiển bằng thiết bị điều khiển tự động có thể cho phép nâng, xoay, dịch chuyển ngang, dọc theo sự bố trí của bãi xe. Bãi đậu xe tự động có thể tiết kiệm tối đa diện tích so với bãi đậu xe tự lái, do không cần bố trí đường cho xe chạy và các điểm quay đầu. Nếu khai thác hiệu quả, có thể chứa tới 40 ô tô trên diện tích của 3 ô tô đậu. Nếu sử dụng mô hình lắp ghép đơn giản, thời gian thi công có thể rất ngắn” - ông Thắng góp ý. Thực tế, thời gian qua tại TP.HCM lẫn Hà Nội đều có các doanh nghiệp đề xuất xây bãi đậu xe theo mô hình thông minh. Tại TP.HCM, Công ty đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) đã đề xuất xây 5 bãi đậu xe ở khu vực trung tâm (trừ các bãi đậu xe ngầm) có nơi tập trung mật độ phương tiện cao, gồm Công viên 23.9, Công trường Quách Thị Trang, Bến phà Thủ Thiêm, điểm đậu ở đường Tôn Đức Thắng và Ngô Văn Năm, điểm đậu ở cuối đường Nguyễn Huệ gần sông Sài Gòn. Tòa nhà Công ty CP địa ốc Thảo Điền, Q.Bình Thạnh, TP.HCM là nơi áp dụng công nghệ này. Diện tích chỉ có hơn 60m2 nhưng bãi đậu xe nơi đây có thể đậu được 14 xe ô tô, chi phí đầu tư khoảng 3 tỉ đồng. Với cùng diện tích như vậy, bãi đậu xe bình thường chỉ có thể đáp ứng được phân nửa số xe ô tô trên.
Ông Mai Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty CP Lá Xanh - đề xuất xây dựng dàn đậu xe nổi lắp ghép cơ động dành cho ô tô tại vị trí nằm giữa cầu Bông và cầu Trần Khánh Dư trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Q.1). Theo đó, dàn đậu xe nổi sẽ được làm ngang hai bên bờ kè như một chiếc cầu và nhà nổi. Xe ra vào ở cả hai bên, chiều cao của dàn đỗ xe là 20m (tương đương tòa nhà 4 tầng) sẽ gồm 8 - 10 tầng xe với số lượng 400 xe liên tục ngày đêm. Theo ông Tuấn, mô hình này có thể triển khai dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đồng thời áp dụng cho các kênh rạch phía Q.4, Q.8.
|
Cần khuyến khích doanh nghiệp
Thực tế, các dự án bãi đậu xe ngầm lẫn nổi tại TP.HCM lẫn Hà Nội đều không thiếu, nhưng vấn đề ở chỗ tất cả các dự án này đều lâm vào cảnh chậm trễ, bế tắc. KTS Lê Công Sĩ (Hội Kiến trúc sư VN) cho rằng vấn đề ở chỗ các cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được một chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với nhà đầu tư bãi đậu xe. Đặc biệt là thủ tục hành chính quá nhiêu khê khiến công trình trì trệ, trong khi vốn của doanh nghiệp phần lớn vay ngân hàng, chậm trễ kéo dài khiến họ thiệt hại nghiêm trọng, buộc phải rút. TP muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào một lĩnh vực cấp thiết mà lại không tạo điều kiện để nhà đầu tư làm nhanh, làm hiệu quả thì vừa không thu hút đầu tư vừa không đạt được mục tiêu giải quyết chỗ đậu xe cho người dân.
Ông Lê Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP đầu tư phát triển không gian ngầm IUS (chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám) - cho biết dự án đã mất gần 8 năm với hàng trăm thủ tục song đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, bãi đậu xe ngầm lớn nhất cả nước này vẫn chưa được chính thức khởi công. Theo ông Tuấn, TP cần phải có quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn và các tiêu chí rõ ràng về không gian ngầm để đơn giản hóa thủ tục, thu hút nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh - Phó tổng giám đốc Công ty Đông Dương (chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm Trống Đồng) - cho biết từ việc xin chủ trương, lập quy hoạch, thẩm định dự án đến công tác thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC) đều vấp phải rất nhiều khó khăn do VN hầu như chưa có các quy chuẩn này. Thủ tục kéo dài khiến chi phí đầu tư tăng cao. Chưa kể, việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của dự án cũng khó khăn, vì các cơ quan chức năng không thống nhất mức thu khiến doanh nghiệp “không biết đâu mà lần”. TP thường ấn định mức phí đậu ô tô của các dự án bãi đậu xe không được quá 10.000 đồng/lượt sẽ gây khó cho nhà đầu tư trong bài toán thu hồi vốn. Do đó, nên để chủ đầu tư bãi đậu xe tự chủ động tính toán phương án đầu tư một cách hợp lý dựa trên bài toán cung cầu.
Tận dụng không gian trên đường Ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty tư vấn kỹ thuật và chiến lược Devitec, cho rằng TP.HCM có thể tận dụng một số con đường để tổ chức thành nơi đậu xe mà không làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông, chẳng hạn như đường Hàm Nghi (Q.1). Đây là con đường rộng, ít xe lưu thông, có thể tổ chức thành chỗ đậu xe. Hay như đường Phạm Ngũ Lão (Q.1) đoạn 1 chiều từ đường Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Thái Học, có thể bố trí chỗ đậu xe vì có cả một làn bên trái gần như không có xe chạy. Đường Điện Biên Phủ đoạn qua Q.Bình Thạnh cũng vậy, có những làn đường gần như trống trơn. Ông Đồng nói, những con đường có ít xe lưu thông đều có thể tổ chức thành những nơi đậu xe có thu phí, vừa có thêm nguồn thu cho TP, vừa giải quyết được nhu cầu đậu xe trên đường đó và các khu vực lân cận. Cũng có thể tạo ra chỗ đậu xe bằng cách tổ chức những cặp đường song song đang là đường 2 chiều thành đường 1 chiều, như cặp đường Lê Lai và Nguyễn Trãi (Q.1). Nhiều không gian trên đường cũng có thể chuyển đổi thành chỗ đậu xe, như đường Trần Não (Q.2) đang có một con lươn rộng 4-5m nằm ở giữa đường. Ông nói, không rõ khi thiết kế con đường này, người ta chừa con lươn rộng lớn như thế để làm gì? Nếu chỉ để trồng cây xanh thì tại sao không biến nó thành bãi đậu xe có trồng cây xanh che bóng mát? P.T |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: