Cầu Trần Hưng Đạo phải mang tính biểu tượng của Thủ đô
Trao đổi với PV Tiền Phong, Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng nằm trong dự án 18 cây cầu quy hoạch xây dựng chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nó có vị trí rất quan trọng vì góp phần kết nối hai bờ tả và hữu của Hà Nội, đồng thời nâng cấp hạ tầng giao thông thủ đô theo hướng hiện đại để phát triển. Do đó mục đích xây dựng của nó rất tốt.
Tuy nhiên, KTS Phạm Thanh Tùng cho tằng, lâu nay chúng ta chỉ quan niệm cầu là công trình giao thông và chưa chú ý đến vấn đề kiến trúc trong khi đây là lĩnh vực mà trên thế giới người ta rất quan tâm. Bởi cây cầu không chỉ là công trình giao thông mà còn là điểm nhấn trong đô thị. Đặc biệt là cây cầu bắc qua sông Hồng, biểu tượng của Hà Nội và nó như một cửa ngõ để khi người ta từ phía Bắc về Hà Nội, qua cầu Trần Hưng Đạo sẽ cảm nhận được đặc trưng của Hà Nội. Như vậy, cây cầu Trần Hưng Đạo phải mang tính biểu tượng của Thủ đô.
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, cây cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hông phải mang tính hiện tượng, biểu tượng của Thủ đô. Do đó, Hà Nội cần thi tuyển phương án kiến trúc theo quy định, đồng thời tổ chức lấy ý kiến cộng đồng.
“Chúng ta không nên áp đặt, đừng chạy theo xu hướng mà nói rằng đây là phong cách xứ Đông Dương. Ngày hôm nay, Hà Nội phát triển là vì đây là thành phố của hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, thành phố của thời đại mới chứ không phải của xứ Đông Dương xưa. Nó phải theo quy luật thời đại nào thì kiến trúc đó, cho nên người ta mới nói là kiến trúc đô thị là hình ảnh phản chiếu thời đại”, KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.
Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo không phải tự chọn mà đã qua một hội đồng tuyển chọn trên 3 phương án do công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng Bộ Giao thông (TEDI) đề xuất. Tuy nhiên, với tư cách là một kiến trúc sư, chuyên gia đô thị độc lập, tôi không đồng ý với cả ba phương án.
“Bởi một công trình có giá trị lớn như cầu Trần Hưng Đạo không chỉ có giá trị tham gia phát triển kinh tế xã hội mà phải có giá trị về thẩm mĩ, văn hóa, đóng góp cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội cũng như văn hóa dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết 13 của Đảng: Văn hóa là động lực để phát triển kinh tế, đất nước bền vững. Theo phương án được lựa chọn thì cầu Trần Hưng Đạo không phải cầu dây văng mà là cầu cứng. Ở những nước khác, khi làm tháp trụ cầu là theo kết cấu cầu dây văng nhưng đây lại làm theo kiểu cầu dây văng giả vờ và không nhất thiết phải làm những tháp như thế; dĩ nhiên chúng ta không nên làm đơn giản quá như cầu Vĩnh Tuy hay rất sơ lược như cầu Đông Trù. Trong khi đó, tại sao cầu Long Biên đã hơn 100 năm nay vẫn có giá trị về văn hóa và lịch sử mà vẫn mang tính hiện đại”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng: “Chúng ta cũng phải nhắc lại rằng việc xây dựng cầu Long Biên khi đó chỉ có 3.000 công nhân người Việt Nam và số lượng nhỏ người Việt gốc Hoa tham gia dưới sự giám sát của người Pháp, vậy mà thế kỷ XIX đã xây được cầu hiện đại và thuộc loại đẹp nhất Đông Dương lúc đó. Chúng ta phải tự hào rằng trí tuệ của người Việt Nam đã làm được cây cầu Long Biên như thế, vậy thì hôm nay chúng ta trong thời đại mới này khi xây cầu Trần Hưng Đạo phải thể hiện được tư tưởng đó.
Còn kiến trúc xứ Đông Dương gì đó thực ra rất nhại cổ và tôi rất buồn về điều này. Bởi thiết kế cầu Trần Hưng Đạo theo lối này thì trong lòng tháp trụ là cái gì, mà tháp thiết kế theo lối này rất tốn kém và kéo theo cả tháp, trụ cầu, mố cầu cũng phải trang trí theo kiểu như thế”.
Cần thi tuyển phương án kiến trúc, lấy ý kiến cộng đồng
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng Hà Nội cần phải tổ chức thi tuyển thiết kế để chọn ra cây có kiến trúc đẹp, mang tính biểu tượng, cùng với đó cần phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng trước khi phê duyệt.
“Theo Luật Kiến trúc 2019, thì những công trình đặc biệt, là điểm nhấn quan trọng của đô thị phải qua thi tuyển kiến trúc giống như cầu đi bộ qua sông Hương của Huế năm ngoái, cầu Thủ Thiêm 2 của TP. HCM,… Thậm chí tôi nghĩ còn cần triển lãm để lấy ý kiến của cộng đồng trước khi phê duyệt bởi vì cộng đồng mới là người hưởng thụ cây cầu”, KTS Phạm Thanh Tùng kiến nghị.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, mức đầu tư 8.900 tỷ đồng xây dựng cầu không phải con số nhỏ trong bối cảnh chúng ta đang tập trung phòng, chống dịch COVID -19, do đó nó phải xứng đáng khi được đặt ở vị trí đắc địa như thế. 18 cây cầu của Hà Nội dựng nên sẽ phải là 18 bông hoa đẹp, khẳng định sự phát triển của diện mạo kiến trúc thủ đô theo hướng văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại và bền vững trong thời kì mới.
Thời gian gần đây, Hà Nội liên tục được suy tôn là thành phố vì hòa bình hay thành phố sáng tạo nên cây cầu phải thể hiện được sự sáng tạo ngày hôm nay với công nghệ và tầm nhìn mới mà vẫn đảm bảo bản sắc văn hóa.
Đồng quan điểm, trả lời báo chí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho hay, việc thiết kế cầu cần phải được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu đã được duyệt. Do đó, đơn vị thiết kế cần phải có cái nhìn bao quát, bám sát vào quy hoạch phân khu để không bị phá vỡ quy hoạch phân khu, không “lạc lõng” trong quy hoạch tổng thể. Đặc biệt phải đảm bảo tính kết nối với các vùng hai bên đầu cầu không chỉ về mặt giao thông mà còn cả về mặt giao thoa văn hóa, hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể.
Cũng theo KTS.Đào Ngọc Nghiêm, cầu được xây dựng để phục vụ cả cộng đồng dân cư, cả xã hội. “Ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng. Cây cầu là biểu tượng của địa phương, của đất nước, là lợi ích chung của cả xã hội chứ không của riêng ai, nên không thể lựa chọn theo theo cách áp đặt. Cho nên, chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân”, KTS.Đào Ngọc Nghiêm nói.
Trước đó, ngày 27/8/2021, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP. Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng. Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đề xuất gồm: Phương án 1: Cầu Extrados bê tông cốt thép hiện đại; Phương án 2: Cầu vòm thép kết hợp dây văng tạo hình cánh hạc bay; Phương án 3: Cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển.
Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển "Xứ Đông Dương".
Kết quả lựa chọn đánh giá từ 15 thành viên hội đồng như sau: Phương án 1 và phương án 2 chỉ có 1/15 thành viên hội đồng lựa chọn, số điểm lần lượt là 1.140 điểm và 1.137 điểm. Phương án 3 được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn với 1.261 điểm.
Với xếp hạng nói trên, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng với phương án 3 - kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương, mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.
UBND TP Hà Nội đã nhất trí với đề xuất phương án thiết kế kiến trúc của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông và chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần Him Lam có trách nhiệm liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội để được cung cấp thông tin và kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư…
Được biết, theo thiết kế cơ sở, dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km, mặt cắt cầu 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có quy mô một làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư. Đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 4 làn xe.
Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: