Dịch bệnh còn đang diễn biễn phức tạp nên tình hình thị trường bất động sản các tháng cuối năm sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái (ảnh: Internet).
Theo Savills, thị trường Hà Nội trong những tháng đầu năm nay đã ghi nhận những hoạt động tích cực, với giá chào bán sơ cấp trung bình đối với loại hình căn hộ tăng 11% theo năm.
Trong khi đó loại hình biệt thự và nhà liền kề cũng đồng thời ghi nhận mức tăng khoảng 7%/năm trong giá chào bán thứ cấp. Sự tăng trưởng về giá này được nhận định là do nguồn cung hạn chế, cơ sở hạ tầng được cải thiện và tiêu chuẩn phát triển cao hơn của các dự án tại đây.
Về triển vọng thị trường những tháng cuối năm nay, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết: "Đối phân khúc căn hộ, đất nền, do dịch bệnh còn đang diễn biễn phức tạp nên tình hình thị trường bất động sản các tháng cuối năm có thể nói là sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Các chủ đầu tư, các nhà đầu tư đều giữ tâm lý thận trọng trong việc tung bán cũng như các quyết định đầu tư".
Đáng chú ý theo bà Hằng, giá hai phân khúc này được dự báo sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư.
Nhận định về thị trường nhà ở sau dịch, bà Hằng cho rằng sau khi dịch Covid-19được kiểm soát, hoạt động thị trường sau thời gian bị nén lại được dự báo sẽ sôi động hơn. Hiện nay, trên thị trường Hà Nội, các sản phẩm nhà ở với khoảng giá từ 35 triệu đồng/m2 đến trên 40 triệu đồng/m2 đang nhiều hàng và cũng đang bán được với số lượng nhiều nhất, với lượng tiêu thụ dẫn đầu tính đến thời điểm nửa đầu năm nay.
Nguồn cung căn hộ dưới mức giá này hiện đang chiếm tỷ trọng ít hơn, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách hàng. Trong khi đó, căn hộ cao cấp với mức giá trung bình từ 75 - 80 triệu đồng/m2 trở lên không nhiều, tốc độ bán cũng chậm hơn các khoảng giá khác.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, khẳng định, thị trường vẫn tồn tại những lợi thế nền tảng về nhân khẩu học cũng như sự gia tăng trong vốn sở hữu cá nhân. Do đó, điểm tích cực là nhu cầu đối với bất động sản nhà ở vẫn được ghi nhận khá tốt.
"Dù thời điểm hiện tại có những hạn chế nhất định, các chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân đang tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch kinh doanh sau khi thị trường được mở cửa trở lại, để các hoạt động có thể quay lại trạng thái bình thường nhanh nhất có thể", ông Matthew Powell nhấn mạnh.
Thời gian qua nhiều người cũng quan tâm, liệu nhà đất có giảm giá sau đợt dịch này hay không? Đến thời điểm này chưa thể có câu trả lời chính xác, nhưng đa số chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng giá khó có chuyện đi xuống khi áp lực đầu vào của bất động sản đang tăng.
Bà Dương Thùy Dung chỉ ra rằng, ngoài lý do về khan hiếm nguồn cung, giá bất động sản cũng đang chịu áp lực tăng giá do giá đất tăng, chi phí nguyên vật liệu tăng (giá thép tăng 40-50%, nhiều loại khan hiếm dù giá tăng cao - PV), chi phí lưu thông, nhân công cũng tăng…
Giám đốc CBRE cũng đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường bất động sản thời gian tới. Ở cả hai kịch này, thị trường đều phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, tốc độ tiêm vắc xin.
Kịch bản 1, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10 năm nay, nguồn cung chào bán sẽ giảm 29% tại TPHCM và giảm 5% tại Hà Nội.
Kịch bản thứ 2, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 12 năm nay, nguồn cung giảm xuống mức rất thấp.
Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng...
Theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường bất động sản tăng; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định cũng là nội dung được nêu.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: