Suất đầu tư xây sân bay quốc tế Long Thành theo Bộ Tài chính cao hơn các sân bay tương tự trên thế giới - Ảnh: Đ.P
Trong văn bản cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả thẩm định dự án đầu tư sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa gửi tới Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng suất vốn đầu tư sân bay 188 triệu USD/triệu hành khách là ở ngưỡng cao so với suất vốn đầu tư của các sân bay quy mô tương tự trên thế giới.
Đơn vị tư vấn thẩm tra dự án cũng cho biết nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phương án lựa chọn công nghệ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cơ bản là các vật liệu sử dụng sẵn có tại thị trường trong nước, thân thiện với môi trường, có thể huy động được.
Khả năng đáp ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho vận hành công nghệ máy móc, phương án lựa chọn công nghệ, kỹ thuật, thiết bị thi công sân bay quốc tế Long Thành phù hợp với điều kiện trong nước.
Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, đơn vị tư vấn thẩm tra cần làm rõ nguyên nhân, lý do khiến suất vốn đầu tư của sân bay quốc tế Long Thành cao hơn các dự án so sánh tương tự trên thế giới, đồng thời làm rõ những ưu việt, đặc thù của sân bay quốc tế Long Thành với các dự án so sánh nếu có.
Theo hồ sơ dự án,sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được chia thành 4 dự án thành phần: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, công an địa phương, cảng vụ hàng không, kiểm dịch y tế đầu tư bằng ngân sách nhà nước; các công trình quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) bỏ vốn đầu tư; các công trình thiết yếu của cảng hàng không do AVC bỏ vốn đầu tư; nhóm các công trình dịch vụ như nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng hóa, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu, khu bảo dưỡng tàu bay…, sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tư nhân thực hiện.
ACV đang đầu tư hàng loạt sân bay trong khi năng lực tài chính có hạn - Ảnh: T.P
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng bày tỏ lo ngại về năng lực của nhà đầu tư được giao làm sân bay quốc tế Long Thành. Việc giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ dự án thành phần 3 xây dựng các công trình thiết yếu của cảng hàng không theo Bộ Tài chính là có cơ sở, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, giá trị đầu tư dự án thành phần 3 có giá trị đầu tư khoảng 93.088 tỉ đồng, dự kiến được đầu tư bằng nguồn vốn của ACV, trong đó phần vốn tự có của ACV khoảng 36.100 tỉ đồng và vốn vay không có bảo lãnh chính phủ khoảng 56.900 tỉ đồng cần rà soát để bảo tính khả thi và an toàn tài chính trong quá trình thực hiện dự án.
Bộ Tài chính cho biết trong khoảng 36.100 tỉ đồng vốn tự có của ACV, tiền mặt hiện có sau khi trừ cổ tức khoảng 29.225 tỉ đồng, tiền mặt tích lũy trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 6.877 tỉ đồng.
Phần vốn còn lại hơn 56.900 tỉ đồng, ACV dự kiến vay thương mại từ các ngân hàng trong và ngoài nước, huy động qua các hợp đồng tín dụng xuất khẩu.
Vốn chủ sở hữu của ACV hiện khoảng 36.100 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu nhà nước 21.771 tỉ đồng, quỹ đầu tư phát triển 6.034 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối khoảng 8.270 tỉ đồng, thặng dư cổ phần 14 tỉ đồng.
Nhưng nợ phải trả của ACV hiện nay khoảng 21.390 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn khoảng 6.500 tỉ đồng.
Hiện ACV cũng đang được giao đầu tư xây dựng, nâng cấp 21/22 cảng hàng không, nhà ga do ACV quản lý. ACV cũng đang đề xuất xây dựng một loạt dự án: sân bay Điện Biên, vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, sân bay Nà Sản (Sơn La), vốn đầu tư gần 2.300 tỉ đồng, mở rộng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, xây dựng nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vốn đầu tư hơn 11.400 tỉ đồng.
VATM cũng được giao đầu tư nâng cấp nhiều cảng hàng không, xây dựng đài kiểm soát không lưu các sân bay, mua sắm thiết bị bảo đảm hoạt động bay.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: