Nhiều doanh nghiệp ngóng chờ quy hoạch, chưa tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm. Ảnh: T.Toan.
Đủ đường kêu
Sau buổi gặp gỡ báo chí ngày 10/8 của Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Hà Nội, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam gửi văn bản kiến nghị lên UBND TP Hà Nội hôm 16/8 quanh chỉ thị 16 về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội. Do chưa nhận được hồi âm nên chiều 31/8, Hiệp hội tiếp tục gặp gỡ hội viên là doanh nghiệp quảng cáo để bày tỏ quan điểm, tiếp tục kiến nghị thành phố quanh quyết định xử lý 190 biển quảng cáo và 149 hộp đèn quảng cáo vi phạm.
Trước khi nhường lời cho các doanh nghiệp quảng cáo, ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nhắc lại tình cảnh trớ trêu trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội: Luật Quảng cáo có hiệu lực từ tháng 1/2013, nhưng đến nay Sở VHTT Hà Nội chưa xong quy hoạch quảng cáo.
Kể từ 2014 đến nay Sở tạm dừng hồ sơ xin cấp phép quảng cáo, từ cuối 2015 Sở cũng đề nghị UBND Thành phố thu hồi toàn bộ thỏa thuận cho phép doanh nghiệp lắp đặt biển quảng cáo ở dải phân cách để quy hoạch lại. “Nhiều doanh nghiệp bị đẩy vào tình trạng vi phạm quảng cáo, nguy cơ đóng cửa”, ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội nói.
Đại diện Cty quảng cáo Hà Thái nói hộ nỗi lòng nhiều doanh nghiệp, bởi một biển quảng cáo lớn trị giá khoảng 1 tỷ đồng, chừng đó biển quảng cáo bị tháo dỡ trong vòng 1 tháng thiệt hại lên gần 200 tỷ đồng. Phá hủy cả trăm tỷ đồng trong 1 tháng, Hà Nội không xót sao? Bà Thúy, đại diện công ty quảng cáo Thăng Long, cho rằng, quyết định này “đẩy doanh nghiệp vào con đường phá sản”, nhân sự các công ty này lâm cảnh thất nghiệp.
Đại diện công ty Mặt trời Vàng lấy ví dụ biển quảng cáo của họ tại bãi đỗ xe Ngọc Khánh bị rơi vào vùng vi phạm mà doanh nghiệp không thể hiểu nổi, tương tự nỗi niềm của công ty PNG. Những vị trí này trước đó được cấp phép tồn tại nhiều năm, nhưng nay bị liệt vào vi phạm vì không thể trình giấy phép hiện tại do Sở VHTT ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp mới từ 2014. Nếu thực hiện đúng luật thì suốt hai năm qua, Hà Nội không có hoạt động quảng cáo nào, khác nào khai tử các doanh nghiệp quảng cáo. Một số doanh nghiệp đặt vấn đề, nếu xóa sổ toàn bộ biển quảng cáo vi phạm trong một tháng, nhưng sau đó lại cho phép xây dựng biển quảng cáo theo quy hoạch ở những vị trí ấy có phải quá lãng phí?
Tháo gỡ thế nào?
Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Hùng nhắc lại các kiến nghị trong văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong đó có ý kiến cần phân loại vi phạm và tùy mức độ để xử lý. Chẳng hạn, với các biển quảng cáo thuộc quy hoạch cũ nay vẫn thuộc diện chờ quy hoạch mới, liệu có được xem là vi phạm? Với biển quảng cáo do quận, huyện cấp phép theo hình thức xã hội hóa, nên để cho họ có thời gian thu hồi vốn.
Hiệp hội nhất trí phương án kiên quyết xử lý toàn bộ biển quảng cáo làm vô tổ chức, không phép kiểu bất chấp chỉ dựng lên trong một đêm. Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp hội viên đương nhiên phải chấp hành chỉ thị, nếu thuộc loại vi phạm phải tháo dỡ cần tuân thủ. “Đề nghị Sở làm rõ vi phạm, mức độ vi phạm, vì sao vi phạm”, ông Ngữ nói.
Trong số nguyên nhân dẫn tới vi phạm quảng cáo tràn lan, Hiệp hội nhắc đến sự chậm trễ của Hà Nội khi ban hành quy hoạch quảng cáo, thủ tục hành chính rắc rối, gây khó khăn cho doanh nghiệp và có những biến tướng, phức tạp trong quá trình thỏa thuận cho doanh nghiệp dựng biển quảng cáo kết hợp xã hội hóa tuyên truyền cho thành phố.
Với mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho các hội viên, Hiệp hội đề nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dù thông cảm cho những khó khăn của Sở, tuy nhiên Hiệp hội không đồng tình với tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”: Sở VHTT Hà Nội lập quy hoạch quảng cáo ngoài trời, cũng chính Sở ra văn bản tạm dừng nhận hồ sơ cấp phép quảng cáo từ tháng 7/2014, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng vi phạm.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của Hà Nội trong việc chậm trễ ban hành quy hoạch, ông Tô Văn Động lí giải văn bản hướng dẫn Luật quảng cáo chậm. Lĩnh vực quảng cáo chịu sự chi phối của nhiều quy định khác nhau từ Luật Xây dựng, đất đai, trong đó Thông tư 19 của Luật Xây dựng can thiệp rất sâu vào lĩnh vực quảng cáo.
Hơn một lần ngành Văn hóa Hà Nội than phiền vị trí có hạn, mong muốn của doanh nghiệp quá lớn bởi họ chỉ nhăm nhăm vào biển quảng cáo tấm lớn, hộp đèn quảng cáo mà không chịu chuyển sang các loại hình quảng cáo khác. Được biết, Sở VHTT hoàn thành dự thảo quy hoạch, chờ trình UBND thành phố trong thời gian tới. Về phía Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, do chưa nhận được hồi âm, Hiệp hội tiếp tục gửi lời kêu cứu lên UBND TP Hà Nội và các cấp có thẩm quyền.
Đoàn Thanh tra Liên ngành TP Hà Nội xử lý 25/190 biển quảng cáo một cột đứng độc lập, 73/149 bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách tính đến chiều 30/8. Trong đó, 10 quận huyện tổ chức lực lượng xử lý, tháo dỡ vi phạm trong đó Thanh Xuân tháo dỡ hoàn toàn 4 biển vi phạm; tám quận huyện chưa tổ chức lực lượng xử lý, tháo dỡ các bảng vi phạm: Gia Lâm, Long Biên, Thạch Thất, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Quốc Oai. Đoàn Thanh tra kiến nghị các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê và tiếp tục đề xuất biện pháp xử lý, cưỡng chế trong thời gian tới. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: