Chỉ tính trong giai đoạn 2000-2010, cả nước đã giảm gần 270 ngàn hécta lúa cho việc quy hoạch khu công nghiệp (KCN), khu dân cư (KDC), sân golf… Nhưng thực tế không phải khu đất nào được quy hoạch cũng đều khả thi, chính vì thế mới có chuyện quy hoạch treo (QHT), để lại nhiều hệ luỵ: Đời sống người nông dân bị xáo trộn, hàng trăm ngàn ha đất “trơ gan cùng tuế nguyệt” với hàng loạt dự án bất khả thi, tình trạng thất nghiệp, khiếu kiện về đất đai gia tăng…
Đất không còn “treo”, lúa lại tràn đồng
Thấm thía với nỗi khổ của người nông dân có ruộng vườn bị QHT, năm 2012, xét khả năng thực thi các dự án còn trên giấy nhưng đã có đất quy hoạch, chính quyền nhiều tỉnh thành đã đồng loạt xoá hàng trăm dự án treo, trả về cho nông dân hàng ngàn hécta đất để họ tiếp tục sản xuất.
Quyết định này như cơn mưa mát lành tưới tắm ruộng đồng sau mùa khô hạn. Đời sống người dân vùng nông thôn bị QHT nhiều năm qua bỗng trở nên có sinh khí hơn, rộn ràng hơn, tươi vui hơn trước thềm năm mới 2013.
Long An là tỉnh dẫn đầu trong việc xoá QHT (từ năm 2010). Như tìm được sự sẻ chia với người nông dân quê mình, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An Lê Minh Đức phấn khởi cho biết: “Sau khi xoá QHT, gia đình nông dân nào nhận đất về làm ăn cũng thu nhập khá, bình quân thu nhập 40-50 triệu đồng/ha/2 vụ. Có đất trong tay, làm ra hạt lúa nuôi mình, ai cũng vui tươi vì thấy đời sống không còn bấp bênh nữa”. Hiện Long An đã thu hồi 57 dự án treo trên tổng diện tích hơn 3.000ha, trong đó có những dự án hầu như không khởi động, đất chỉ khoanh vùng để đó từ 6-9 năm như dự án sân golf ở xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc) trên diện tích 240ha, dự án sân golf xã Phú Mỹ (Thủ Thừa) trên diện tích 280ha, dự án Cụm công nghiệp (CCN) huyện Cần Đước 400ha… Anh Nguyễn Văn Tường được trả lại 1,5ha đất trong khu QHT CCN Long Hậu - Cần Đước hân hoan cho biết, anh đã đầu tư 20 triệu đồng để cải tạo đất hoang hoá sau thời gian dài, sau đó dẫn thuỷ nhập điền trồng lúa 2 vụ/năm, đất còn lại trồng dưa hấu, dưa gang. Lúa vụ hè thu anh thu về 25 triệu đồng, vụ đông xuân thu 35 triệu đồng, mảnh đất trồng dưa cũng mang về cho anh 20-30 triệu đồng/năm. Nhớ lại những ngày ruộng đất bị QHT, anh Tường bảo, sống trong cảm giác tương lai mờ mịt thật khủng khiếp.
Học tập kinh nghiệm của Long An, năm 2012, tỉnh Bình Phước đã xoá QHT 500ha đất quy hoạch từ năm 1998 dành làm KCN Bình Phước - Đài Loan ở xã Thành Tâm (huyện Chơn Thành). Nhận lại 2 ha đất, ông Bùi Văn Cắt (ấp 2) tiến hành trồng cao su và sửa lại ngôi nhà xập xệ hơn chục năm qua. Cùng chung niềm vui xây dựng cuộc sống ấm no trên đất của chính mình, chị Trần Thị Trang (ấp 3) cho biết: “Mười mấy năm qua kể từ khi đất bị QHT, thật tôi không biết làm gì, tương lai chẳng biết đi về đâu, chỉ đi ra đi vô nhìn đất mà buồn. Đất quy hoạch bị hoang hoá, cỏ mọc đầy. Thanh niên rủ nhau bỏ xứ đi làm thuê. Nhiều người “bí” quá cũng lén trồng lúa trên đất của mình, nhưng trồng mà sợ phập phồng nên năng suất không cao. Giờ nông dân được trả lại đất, nhiều người trẻ đi làm thuê trở về, làng xóm lại đông vui”.
Nói về việc xoá QHT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang chân thành cho biết: “Đất đã quy hoạch rồi, nhưng chờ hoài không thấy chủ đầu tư “động tĩnh” gì theo như dự án thì giao lại cho nông dân trồng trọt sản xuất thôi!”. Trên tinh thần này, trong năm 2012, Tây Ninh đã xoá 10 CCN treo trên diện tích 1.150ha. Bà Nguyễn Thị Nhung được trả lại 2ha đất trong dự án QHT KCN Bàu Đồn đã cùng chồng con rộn ràng “găm” giống cây cao su và xây nhà mới ăn tết Quý Tỵ. Bà cho biết: “Có lẽ đây là cái tết vui nhất đời tôi, cái tết được quyền chuẩn bị và sắm sửa mọi thứ để làm ăn sau tết”.
Cũng trong không khí vui vẻ chào đón tết cổ truyền 2013, người dân chuyên sống nhờ nghề trồng lan ở phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức - TP.HCM) đang tập trung làm nhiều việc mà hơn mười năm qua họ không được phép làm bởi QHT: Xây - sửa nhà, đổ bê tông nâng cao nền đường tránh triều cường, gieo cấy nhiều giống lan mới để bán tết… Bà Lê Thị Mai được trả lại 0,5ha đất trồng lan cười tươi như hoa bởi: “Tết nay nhà tui sẽ ăn một cái tết thật “xôm” vì có lan bán là có tiền”. Đất quy hoạch ở Hiệp Bình Chánh (203.000m2) phục vụ cho dự án xây dựng KDC Hiệp Bình Chánh từ tháng 12/2000, nhưng do nhà đầu tư thiếu vốn nên dự án được xoá. Khác với các tỉnh, nhiều dự án quy hoạch ở TP.HCM không khả thi nhưng vẫn phải “treo” vì chồng chéo nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, để người dân đỡ khổ hơn trong tình cảnh ruộng đất bị “treo”, mới đây, UBND thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, gỡ rối các quy định của pháp luật để có thể bồi thường đất và nhà xây dựng theo giấy phép tạm của người dân trên đất QHT.
Từ thực tế QHT và xoá treo, các chuyên gia đã đặt ra hàng loạt vấn đề để đảm bảo an dân trong vùng QHT khi họ phải chịu đựng trong thời gian từ vài năm trở lên như: Quyền được chuyển nhượng, tặng, cho, thế chấp quyền sử dụng đất; quyền được sửa chữa, xây dựng nhà trên đất QHT (theo quy định); quyền được đảm bảo cuộc sống suốt thời gian QHT… cùng các chế độ bồi thường thoả đáng kèm theo khi dự án được thực hiện. Đây là những gợi ý mang đầy tính thực tiễn để các nhà quy hoạch nghiên cứu cho đời sống người dân vùng QHT đỡ khổ./.
Có 3 dạng QHT phổ biến: Dạng địa phương công bố quy hoạch trên diện tích đất cụ thể, rồi sau đó vài ba năm không làm gì cả (vì thiếu vốn hoặc dự án không khả thi); dạng công bố quy hoạch trên diện tích đất thật lớn, nhưng việc thu hồi đất bị “ách” lại vì đền bù không thoả đáng một vài thửa đất; và cuối cùng là dạng đất quy hoạch được giao cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư không triển khai dự án như đã đăng ký, mà chỉ “ôm” đất để dành sang nhượng thu lãi. |