Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang chậm tiến độ và có nguy cơ phải đóng cửa.
Cụ thể, đối với các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Bộ cho biết, ngoài một số dự án đã và đang triển khai đảm bảo triển khai đúng tiến độ đề ra, có khá nhiều dự án điện đang có nguy cơ không đảm bảo tiến độ và thời gian đưa vào sử dụng khó đáp ứng với kế hoạch đề ra.
Đối với một số dự án mới được khởi công trong năm nay như: dự án nhiệt điện Mông Dương 1 (2 x 540 MW) chậm khởi công 6 tháng so với kế hoạch do khối lượng đào đắp, phá đá... lớn hơn dự tính.
Thế cho nên, đến ngày 15/9 vừa qua, EVN mới tiến hành ký được hợp đồng gói thầu EPC xây dựng nhà máy chính của dự án, mà lẽ ra nó phải được thực hiện từ tháng 4/2011.
Một dự án khác cũng được Bộ nêu tên trong nhóm chậm tiến độ là dự án thủy điện Sông Bung 2 (100 MW). Theo đánh giá của Bộ, nhìn chung công tác thi công các hạng mục chuẩn bị khởi công nhìn chung còn chậm, trong đó hạng mục điện thi công chậm 2 tháng so với tiến độ; hạng mục đường thi công vận hành chậm 3 tháng.
Qua kiểm tra cho thấy, công tác thi công xây dựng công trình chính của dự án này chưa đạt được tiến độ đề ra, ngoài nguyên nhân về thời tiết, Bộ khẳng định còn có nguyên nhân khác do công tác tổ chức thi công của nhà thầu chưa đồng bộ, thiếu tập trung cao độ về nhân lực, máy móc thiết bị để đáp ứng theo yêu cầu...
Hay như dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (1.244 MW), sau hơn một năm triển khai, đến nay đã hoàn thành thiết kế cơ sở, đóng cọc thử và chuyển sang thi công cọc móng đại trà. Tuy nhiên, đánh giá tiến độ thực hiện của Bộ Công Thương cho thấy, theo cam kết hợp đồng EPC sẽ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2013 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2014 là khó đạt được.
Ngoài ra, một số dự án khác như: dự án nhiệt điện Duyên Hải 1 (2 x 600 MW), dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 2, dự án thủy điện Trung Sơn... cũng đều chậm tiến độ đề ra.
Đáng chú ý, trong khi khá nhiều dự án điện do EVN làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, thì ngược lại hầu hết các dự án điện do các tập đoàn khác như Petro Vietnam, TKV... làm chủ đầu tư như dự án nhiệt điện Vũng Áng, Quảng Trạch, Thái Bình... lại không bị "tuýt còi" vì chậm tiến độ.
Tuy nhiên, với các tập đoàn như Dầu khí, Than - Khoáng sản, việc chậm tiến độ lại xảy ra ngay với các dự án thuộc ngành nghề chính của mình.
Trong số đó phải kể đến dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam và nhà máy lọc dầu Long Sơn tại Vũng Tàu (công suất trên 3 triệu tấn sản phẩm hạt nhựa HDPE, tổng mức đầu tư khoảng 4 tỉ USD).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án đạt khoảng 323 ha/400 ha mặt bằng nhà máy. Tuy nhiên cổ đông lớn nhất của dự án Long Sơn là tập đoàn Siam Cement Group đang muốn tìm thêm đối tác tham gia để tháo gỡ khó khăn về tài chính.
Ngoài ra, một dự án thép “khủng” như dự liên hợp thép Hà Tĩnh có công suất 4,5 triệu tấn thép/năm, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD đã được khởi động từ vài năm nay, song đến nay, chủ đầu tư đang cùng tập đoàn Tata (Ấn Độ) tiến hành làm việc với tỉnh Hà Tĩnh để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án.
Tuy nhiên, tiến độ dự án hiện chưa đạt được do Tata chưa đạt được thỏa thuận về kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống nước. Được biết, trước những vướng mắc của dự án, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu các bên liên quan xem xét giải quyết, tìm cách tháo gỡ cho dự án.
Một dự án thép khác cũng bị tuýt còi về tiến độ là dự án cải tạo gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, công suất 500.000 tấn phôi thép/năm, tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng cũng bị liệt vào danh sách tiến độ chậm so với kế hoạch, do vướng mắc từ phía nhà thầu Trung Quốc và năng lực yếu kém của nhà thầu phụ Việt Nam.
Đình đám hơn cả là “siêu” dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) với công suất 10 triệu tấn /năm. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành hồ sơ dự án, các bên hợp tác đã thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê với mức vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên tiến độ chậm do điều kiện năng lực của chủ đầu tư và tư vấn chưa đạt yêu cầu, dù các cổ đông đều là những “đại gia” ngành thép, cơ khí.
Không chỉ khó khăn về tiến độ, dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này cũng đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do 4 cổ đông lớn của dự án đã được Chính phủ cho phép thoái vốn. Số cổ đông còn lại đến nay đang có biểu hiện “chây ì” trong việc góp vốn vào công ty quản lý dự án.
Ngoài ra, dự án thép tấm cán nóng miền Nam (công suất 2 triệu tấn thép tấm cán nóng/năm, tổng mức đầu tư 10.276 tỷ đồng) dù đã tiến hành tổ chức đấu thầu gói thầu EPC và dự kiến khởi công trong năm 2011, tuy nhiên do việc thu xếp vốn chậm nên tiến độ đến nay vẫn nằm trên giấy.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: