Công nhân an cư, DN mới có thể lạc nghiệp
Theo số liệu từ Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có trên 260 KCN với tổng diện tích đất khoảng 72.000 ha. Trong đó, 170 KCN đã đi vào hoạt động và thu hút được gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 4.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 54 tỉ USD và 336.000 tỉ đồng.
Hiện có khoảng 1,6 triệu lao động trực tiếp đang làm việc tại các KCN và hàng triệu công nhân, lao động tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc các cụm công nghiệp hoặc độc lập. Trong đó, chỉ có 20% công nhân có chỗ ở ổn định và khoảng 80% đang phải đi thuê nhà với mức giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/người/tháng.
Điển hình như Bình Dương phát triển đến 28 KCN kéo theo một lượng công nhân lao động lên đến hơn 740.000 người, trong đó gần 85% số lao động ngoài tỉnh. TP.HCM cũng có 13 KCN với 258.709 lao động, trong đó 75% là người nhập cư. Tương tự, Đồng Nai có 30 KCN với 392.000 lao động và 60% là người nhập cư.
Điều không thể phủ nhận, trong những năm qua, giai cấp công nhân VN không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Tuy nhiên, đời sống của đại bộ phận công nhân hiện còn nhiều khó khăn. Thực tế là hàng vạn công nhân ở các KCN, KCX phải thuê nhà trong điều kiện tạm bợ thiếu thốn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích như hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào... nhưng các DN trên thực tế vẫn chưa nhiệt tình tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.
Theo Quyết định 66/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở cho công nhân lao động các KCN, các địa phương đã đăng ký giai đoạn 2010-2015 với tổng số khoảng 110 dự án để đáp ứng chỗ ở cho trên 960.000 người. Song thực tế đến nay, mới chỉ có 27 dự án được khởi công xây dựng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 129.000 công nhân lao động. như vậy đến khi hoàn thành cũng chỉ đáp ứng được 13% số lao động mà mục tiêu đặt ra.
Lý giải sự chậm trễ trên, đại diện Tổng Liên đoàn lao động VN đã chỉ ra hàng loạt những bất cập hiện nay. Thứ nhất là thiếu đất “sạch” vì trong quá trình phát triển xây dựng KCN thì chủ đầu tư và cơ quan thẩm định đã không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở. Thứ hai, nhà nước cũng không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho công nhân lao động các KCN mà chỉ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và cho công nhân thuê theo phương thức xã hội hóa. Trong khi đó việc vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng còn vướng nhiều khó khăn về cơ chế, thủ tục; tình hình lãi lãi suất có xu hướng tăng cao khiến DN không dám mạo hiểm lao vào.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, một trong những vấn đề cốt lõi khiến công nhân không có nhà ở là do DN sử dụng lao động không quan tâm, trong khi đó DN kinh doanh, phát triển BĐS thì chăm chăm kinh doanh nhà thương mại để có lời, không bán nhà xã hội. Theo ông Dũng, sắp tới Nhà nước sẽ có biện pháp cụ thể vừa khuyến khích vừa bắt buộc DN lớn, DN của “đại gia” có sử dụng nhiều lao động phải xây nhà cho công nhân.
Đối với những DN kinh doanh BĐS, Bộ trưởng khẳng định sẽ có chế tài cụ thể buộc các DN này song song với việc kinh doanh loại nhà thương mại phải dành đất để xây nhà xã hội để bán cho người thu nhập thấp, tạo điều kiện cho công nhân có chỗ ở, yên tâm làm việc.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: