Tới năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ có nhiều khu nhà tái định cư được hoàn thành để phục vụ cho công tác GPMB. Ảnh: Đàm Duy
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Kế hoạch dự kiến như vậy nhưng sau đó, qua quá trình rà soát, UBND TP đã có văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư tại 6 khu, trong đó khu X1 thị trấn Trâu Quỳ giao UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá và khu TĐC. Khu X2 xã Liên Ninh, giao UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư xây dựng khu TĐC phục vụ dự án quốc lộ 1A. Khu X1 xã Tứ Hiệp giao UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư xây dựng khu TĐC phục vụ các dự án trên địa bàn huyện. Khu Thanh Liệt giao UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư xây dựng khu TĐC phục vụ các dự án trên địa bàn huyện và TĐC phục vụ giải phóng mặt bằng khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. Khu X3 xã Tiên Dược giao UBND huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư xây dựng khu TĐC phục vụ các dự án trên địa bàn huyện. Khu X2 xã Kim Chung - Đại Mạch (huyện Đông Anh) giao Ban Quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội làm chủ đầu tư. TP cũng giao Công ty CP Bất động sản Dầu khí nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu đô thị La Phù - huyện Hoài Đức quy mô khoảng 38,7ha (là quỹ đất 20% thuộc dự án khu đô thị mới Dầu khí) và UBND huyện Từ Liêm nghiên cứu lập quy hoạch 1/500 khu Thượng Cát (khoảng 85ha) để xây dựng khu đất dịch vụ, đấu giá và TĐC. Dự án cuối cùng là khu TĐC L27 thị trấn Thường Tín (quy mô khoảng 20ha), UBND huyện Thường Tín đã đề nghị UBND TP giao nhiệm vụ triển khai nghiên cứu lập quy hoạch.
Nhu cầu quỹ nhà TĐC phục vụ các dự án phát triển hạ tầng đô thị của Thủ đô giai đoạn từ nay đến năm 2020 là rất lớn. Đại diện Phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng) cho biết, giai đoạn 2011-2020 nhu cầu nhà TĐC tăng mạnh do ngoài các dự án hạ tầng, TP cần quỹ nhà tạm cư phục vụ các dự án cải tạo chung cư cũ. Tổng nhu cầu quỹ nhà giai đoạn này ước tính khoảng 60.000 căn hộ. Để đáp ứng, ngoài các dự án nhà TĐC nhỏ được giao cho quận, huyện và Ban Quản lý dự án xây dựng, TP đã phê duyệt đề án hình thành 9 khu đô thị TĐC tập trung với quy mô lớn. Như vậy, với 50.000 căn hộ từ kết quả của đề án cộng với quỹ nhà TĐC từ các dự án nhỏ lẻ, về cơ bản sẽ giải quyết được bài toán thiếu nhà TĐC vốn luôn là vấn đề bức xúc. Đây là một chủ trương đúng đắn và cấp thiết. Giai đoạn 2011-2015, TP sẽ xây dựng 20.000 căn hộ, với số vốn khoảng 13.000 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020 xây 30.000 căn hộ, kinh phí 18.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Xây dựng đã đề nghị TP điều chỉnh quỹ nhà TĐC từ dự án chậm đưa vào khai thác hơn 12 tháng kể từ ngày được bàn giao cho các dự án có nhu cầu sử dụng ngay để khắc phục tình trạng nơi cần nhà TĐC thì không có, nơi có lại không dùng.
Cũng theo Sở Xây dựng, về phương thức đầu tư các khu TĐC tập trung, TP sẽ sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, xã hội thiết yếu, DN của TP đầu tư xây dựng nhà ở. Nguồn vốn thực hiện gồm phát hành trái phiếu, trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất của TP, tiền bán nhà theo NĐ 61/CP, bán nhà TĐC và ngân sách bố trí xây dựng nhà TĐC. Đối với các khu thuộc quỹ đất 20%, chủ đầu tư các dự án bàn giao cho TP, TP sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn xây dựng khu đô thị TĐC. Ngoài ra, còn có các nguồn khác như tín dụng ưu đãi qua Quỹ Đầu tư phát triển, vốn viện trợ...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: