Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, MTTQVN và các bộ ngành liên quan đã vào cuộc để làm rõ đúng sai, đảm bảo sự công bằng cho người dân trước pháp luật, không chỉ là trường hợp của gia đình ông Đoàn Văn Vươn mà còn nhiều hộ dân ở huyện Tiên Lãng nói riêng và nhiều địa phương khác.
Luật gia - nhà báo Phan Anh Cường (Hải Phòng) gửi về tòa soạn bài viết “6 vấn đề về pháp lý cần làm rõ” nhằm góp thêm tiếng nói để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân được pháp luật bảo vệ. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Các quyết định giao đất cho Đoàn Văn Vươn có trái luật?
Ngày 4.10.1993 UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định 447/QĐ-UB giao 21ha đất bãi bồi ven biển thuộc địa bàn hành chính xã Vinh Quang cho ông Đoàn Văn Vươn - công dân xã Bắc Hưng để sử dụng vào mục đích nuôi trồng và khai thác thủy sản có thời hạn 14 năm.
Ngày 9.4.1997, tại quyết định số 220/QĐ-UB, UBND huyện lại giao bổ sung 19,3ha tiếp giáp diện tích cũ về phía biển. Thời hạn sử dụng cũng là 14 năm nhưng tính từ ngày 4.10.1993.
Đầm nuôi trồng thuỷ sản của ông Đoàn Văn Vươn đã được bàn giao cho chủ hộ khác. Ảnh: V.N.N
Trước hết, cần khẳng định, khu vực đầm vùng xã Vinh Quang vào những năm 1993-1994 không phải là đất nông nghiệp để giao cho nông dân sử dụng ổn định lâu dài (20 năm); trên công luận, đã có những ý kiến, nhận định không chính xác về vấn đề này. Khu vực này thuộc nhóm đất mới bồi, chưa sử dụng chứ không phải đất nông nghiệp. Được thể hiện rõ tại Điều 29, Luật Đất đai 1987:
“1- Ở những nơi còn đất chưa sử dụng thì uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể giao loại đất này cho các tổ chức hoặc các hộ thành viên của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, ngư nghiệp, nghề muối, nông trường, lâm trường, trạm, trại nông nghiệp, lâm nghiệp, công nhân, viên chức và nhân dân để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
2- Đối với đất trống, đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt thì được giao theo chính sách giao đất, giao rừng để trồng trọt và chăn nuôi; đất giao cho mỗi tổ chức và cá nhân là căn cứ vào khả năng sử dụng, không hạn chế về diện tích.
3- Khi giao đất nói ở khoản 1 và khoản 2 của điều này phải xác định rõ mục đích và thời hạn sử dụng để người sử dụng đất yên tâm sản xuất, có thu hoạch thoả đáng so với công sức đã đầu tư đối với từng loại cây trồng và vật nuôi.
4- Đất được giao nói trong điều này không tính vào mức đất làm kinh tế gia đình hoặc mức đất giao cho nông dân cá thể quy định tại Điều 27 và Điều 28 của luật này”.
Theo Luật Đất đai 1993 thì khu vực này thuộc nhóm đất mới bồi (Điều 50): “Việc quản lý, sử dụng đất mới bồi ven biển do Chính phủ quy định.”), đất chưa sử dụng (Điều 72, Luật Đất đai 1993). Như vậy, Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993 và tương tự như vậy là Luật Đất đai 2003 cũng đều cho phép điều chỉnh nhóm đất này theo các quy định riêng của Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 64/1993 và các NĐ sửa đổi, bổ sung sau đó như NĐ 85/1999 và NĐ 04/2000 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Cụ thể, khoản 3, điều 5 Nghị định 64/1993 quy định: “3. Đối với đất trống, đồi núi trọc, đất khai hoang, lấn biển thì hạn mức của hộ, cá nhân sử dụng do uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định, căn cứ vào quỹ đất của địa phương và khả năng sản xuất của họ, đảm bảo thực hiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng các loại đất này vào mục đích sản xuất nông nghiệp”.
Như vậy, ông Đoàn Văn Vươn được giao 40,3ha đất, dù có vượt mức hạn điền chung (2 năm), dù không theo thời hạn chung (20 năm) là không có gì trái luật.
Luật gia - nhà báo Phan Anh Cường
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: