Xu hướng giảm lãi huy động bùng nổ đầu tiên từ nhóm các ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ như OCB, Kienlongbank, SeABank, PGBank, GPBank, DongABank, VietABank, giảm từ 0,05 - 0,3 điểm phần trăm chỉ trong 1 tuần (từ 8/3 đến 15/3).
Cụ thể, OCB giảm 0,2 điểm phần trăm với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. DongABank giảm 0,2 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn. Kienlongbank cũng hạ 0,15 - 0,3 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại Kienlongbank cho khoản tiền dưới 1 tỷ (kỳ hạn mộ năm trở xuống) chỉ còn 6,9%/năm. (thay vì 7,1%/năm như trước đó)
Biểu lãi suất TPBank cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, tiền gửi tại kỳ hạn ngắn dưới 2 tháng được niêm yết lãi suất 3,5%/năm, giảm 0,05 điểm phần trăm so với tháng trước. Ngân hàng cũng giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 9 và 12 tháng. Kỳ hạn 18 và 36 tháng hiện ở mức lãi suất 6,3%/năm, giảm 0,3 điểm phần trăm.
Từ ngày 15/3, Techcombank cũng áp dụng biểu lãi suất mới, giảm nhẹ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng. Techcombank hiện nằm trong nhóm ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất thị trường. Mặt bằng chung lãi suất của Techcombank thấp hơn khoảng 0,4 - 0,5% so với trần huy động lãi suất của Ngân hàng nhà nước quy định giành cho kỳ hạn nhỏ hơn 6 tháng.
Tuần đầu tiên của tháng 3, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất, có ngân hàng lãi suất lên đến 8%/năm. Vậy mà đến hết tuần thứ 2 của tháng 3, lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ kỳ hạn một năm của các ngân hàng về dưới 7%/năm.
Trong tuần này, Sacombank là trường hợp duy nhất tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm còn kỳ hạn từ 3 tháng trở lên tăng 0,2 điểm phần trăm.
Lãi suất tiền gửi hiện nay ở tất cả các ngân hàng thương mại vẫn khá thấp. Lãi suất tiền gửi ngắn hạn đang xoay quanh mức 3,5 - 4%/năm. Mức lãi trong trung và dài hạn xoay quanh mức 6 - 7%/năm.
Bảng lãi suất tiết kiệm một số ngân hàng tính đến ngày 16/3/2021
Lãi suất gửi tiết kiệm (%/năm) | |||||||||
Ngân hàng | 1 tháng | 3 tháng | 6 tháng | 9 tháng | 12 tháng | 13 tháng | 18 tháng | 24 tháng | 36 tháng |
Vietcombank | 2,9 | 3,2 | 3,8 | 3,8 | 5,5 | 5,3 | 5,3 | ||
Vietinbank | 3,1 | 3,4 | 4,0 | 4,0 | 5,6 | 5,6 | 5,6 | 5,6 | |
BIDV | 3,1 | 3,4 | 4,0 | 4,0 | 5,6 | 5,6 | 5,6 | 5,6 | 5,6 |
Agribank | 3,1 | 3,4 | 4,0 | 4,0 | 5,6 | 5,6 | 5,6 | 5,6 | |
VPBank | 3,65 | 5,1 | 5,6 | 5,7 | |||||
TPBank | 3,5 | 3,55 | 5,4 | 6,3 | 6.3 | ||||
OCB | 3,75 | 3,9 | 5,5 | 5,7 | 6,0 | 6,2 | 6,35 | 6,4 | |
Đông Á | 3,4 | 3,4 | 5,3 | 5,5 | 5,8 | 6,3 | 6,1 | 6,1 | 6,1 |
Kiên Long | 3,4 | 3,7 | 5,9 | 6,0 | 6,7 | 6,9 | 7,1 | 7,1 | 7,1 |
Sacombank | 3,95 | 3,95 | 5,7 | 6,2 | 6,8 | 6,8 | 6,8 | 6,8 | |
SeABank | 3,5 | 3,6 | 5,4 | 5,7 | 6,1 | 6,15 | 6,2 | 6,25 | |
PGBank | 3,5 | 3,5 | 5,3 | 5,3 | 5,8 | 5,9 | 6,4 | 6,2 | |
GPBank | 4,0 | 4,0 | 5,3 | 5,4 | 5,5 | 5,6 | 5,5 | 5,5 | 5,5 |
VIB | 3,7 | 3,7 | 5,7 | 5,8 | 6,2 | 6,3 | 6,3 |
Do đâu mặt bằng lãi suất vẫn neo ở mức thấp?
Duy trì mặt bằng lãi suất thấp vẫn đang là xu hướng chung của nhiều ngân hàng. Một phần do thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục ở mức thấp.
Lạm phát đang có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Cụ thể, tháng 2/2021, lạm phát tăng 1,5% so với tháng đầu năm, mức tăng cao nhất trong 8 năm qua. Thực tế, lãi suất huy động phải bảo đảm thực dương so với lạm phát mới có thể hấp dẫn được người gửi tiền do đó lãi suất vẫn ghi nhận neo ở mức khá thấp.
Trong Báo cáo triển vọng vĩ mô năm 2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chuyên gia dự báo “Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm do ba nguyên nhân:
Thứ nhất, kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh. Thứ ba, lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.”
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho rằng “Đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn”.
Ðồng quan điểm, Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho rằng “Chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại. Về tổng thể, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 sẽ bớt dư thừa hơn so với năm 2020, khi hoạt động mua ròng ngoại hối nhiều khả năng sẽ giảm trong khi tín dụng dần hồi phục.
Tuy vậy, mức tăng của tín dụng được dự báo sẽ không quá "nóng" để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung trên thị trường. Thêm vào đó, với tăng trưởng lạm phát được đánh giá sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021, lãi suất sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng thấp so với các năm 2019 trở về trước”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: