Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng dường như các cơ quan quản lý vẫn chưa nhìn nhận đúng mức ảnh hưởng từ những bất ổn trên thị trường BĐS đối với nền kinh tế. Thực tế cho thấy BĐS có mối liên hệ chặt chẽ với hàng loạt ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, nội thất.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói khảo sát tại 44 tỉnh, thành cho thấy số lượng căn hộ tồn kho là 40.176 căn. Trong khi tiêu chí đánh giá hàng tồn kho của bộ là những dự án đã đủ điều kiện bán (tức xây xong phần móng). Như vậy, số căn hộ đã hoàn thiện còn tồn kho, theo đánh giá của bộ, chắc chắn còn thấp hơn nhiều.
Chất vấn bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt câu hỏi: “Hiện BĐS đang ở ngưỡng nguy hiểm, nợ xấu cao, Bộ trưởng có kịch bản gì khi đổ vỡ xảy ra, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?”.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thị trường đóng băng như hiện nay do quá trình phát triển các dự án trước đây phần lớn là tự phát, không tuân thủ quy hoạch, dẫn đến quá nhiều dự án, vượt xa so với nhu cầu thực của thị trường. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm BĐS cũng bất hợp lý, thừa cao cấp nhưng thiếu sản phẩm phục vụ người thu nhập thấp.
Đặc biệt, có nguyên nhân không nhỏ do vốn đầu tư BĐS chủ yếu vẫn là vốn tín dụng, vay khách hàng, còn vốn chủ sở hữu đa số rất thấp, nên khi tín dụng BĐS thắt chặt dự án không phát triển được… Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đang rà soát lại các dự án BĐS, cơ cấu lại các sản phẩm, diện tích căn hộ, cho chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội, có cơ chế ưu đãi chủ đầu tư, đề nghị ngân hàng tiếp tục cho người mua nhà vay, giảm thuế cho người mua nhà ở lần đầu…
Nói về trách nhiệm và sự cần thiết phải có sự vào cuộc để cứu thị trường BĐS, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: "Hiện đã có Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường BĐS, do một phó thủ tướng làm trưởng ban, nên chắc chắn Chính phủ cũng sẽ quyết tâm tháo gỡ cho lĩnh vực này".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: