Một số DN chưa đầu tư ổn định sản xuất và tuân thủ việc khai khoáng theo pháp luật; các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm.
Trên địa bàn Tuyên Quang hiện có 27 cơ sở khai thác cát, sỏi được cấp giấy phép đang còn hoạt động với tổng công suất theo giấy phép là 1,623 triệu m3/năm; trong đó có 3 cơ sở sản xuất lớn, 14 cơ sở sản xuất vừa, còn lại là sản xuất quy mô nhỏ công suất từ 10 - 30 nghìn m3/năm. Từ tháng 3/2011, có 3 cơ sở khai thác tại huyện Sơn Dương đã hết hạn giấy phép và ngừng khai thác là Cty CP Kim Đức (138 nghìn m3/năm), Cty TNHH Thiện Long (75 nghìn m3/năm) và Cty CP Phú Tuyên (100 nghìn m3/năm).
Theo đánh giá của UBND tỉnh Tuyên Quang, một số đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ mỏ, không chấp hành đầy đủ nội dung của giấy phép khai thác; vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản sai quy định; khai thác không đúng thiết kế cơ sở được duyệt… Đặc biệt, việc sử dụng số lượng lớn tàu cuốc khai thác cát, sỏi của các đơn vị được giao mỏ đã ảnh hưởng lớn đến nền địa chất hai bên bờ sông, gây mất đất canh tác của nhân dân, làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống đê điều. “Có đơn vị còn lợi dụng giấy phép khai thác cát, sỏi để dùng phương tiện thiết bị tàu cuốc khai thác khoáng sản vàng trái phép trên các sông, suối nhỏ”, một cán bộ Phòng Quản lý xây dựng và VLXD (Sở Xây dựng Tuyên Quang) cho biết thêm.
Trước thực tế trên, ngành Xây dựng Tuyên Quang đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với khai thác VLXD trên địa bàn. Theo đó, tạm dừng, chưa gia hạn các giấy phép khai thác đã hết hạn, chưa cấp mới các dự án hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông Lô, sông Gâm và các suối ở khu vực có các tuyến đê từ nay đến ngày 30/6. Từ ngày 01/7 tới, Tuyên Quang cũng quyết định dừng ngay và không sử dụng các phương tiện khai thác bằng tàu cuốc, chỉ cho phép khai thác cát, sỏi bằng tàu hút.
Về lâu dài, ngành Xây dựng Tuyên Quang cũng đã soạn thảo quy định về quản lý VLXD trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt. “Quy định sẽ cụ thể hóa và chặt chẽ hơn vấn đề khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD, đặc biệt là khai thác cát, sỏi từ lòng sông, nhằm bảo vệ tốt môi trường, không để ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và đảm bảo an toàn của hệ thống đê điều”, ông Nguyễn Quốc Vinh cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: