Thực ra, quy định xử phạt tại điều 101.1.đ của Nghị định 15/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020) chỉ áp dụng đối với việc “cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.”
Rõ ràng, việc chia sẻ link các bài báo lên mạng xã hội lâu nay không nằm ngoài “sự đồng ý” của chủ thể có quyền. Thậm chí, việc làm đó còn được chính các báo và nhiều đơn vị truyền thông khuyến khích bằng các nút like, share đặt sẵn bên cạnh các bài báo. Điều đó có nghĩa, nỗi lo đối diện gánh nặng xử phạt gần như không có.
Nhưng nếu vậy thì phải chăng chính các tờ báo, kênh truyền hình,… cũng đã chạy theo thời thế để tài sản của mình cho người khác sử dụng một cách phờ-ri chăng? Nếu câu trả lời là không, thì liệu họ có thu nhận được gì cho các quyết định “mở cửa” thoải mái như vậy. Từ góc nhìn của mình, câu trả lời của tôi là “Có.”
Không thể phủ nhận, kinh tế số với các mô hình kinh doanh mới đã “bùng phát” một cách dị kỳ khi mọi thứ dường như cứ được cho không. Điển hình, sự phát triển lan rộng của Google khiến không ít trang báo chùng lại trước kế hoạch thu phí bán tin online của mình. Các kênh truyền hình trả tiền thì không thể phủ nhận sức công phá của Youtube, thậm chí còn lựa chọn giải pháp phát triển kênh của mình trên… Youtube. Ngay cả cơ quan công quyền thì chằng còn ngần ngại tạo nick Facebook, Twitter… để đối thoại và cung cấp tin chính thống trên… mạng xã hội để tăng sự tương tác với công dân.
Phong phú và sôi động hơn là các hoạt động showbiz. Sau quãng thời gian dài các ca sĩ đầu tư music video, thậm chí nguyên cả chương trình “sing and share,” nhiều diễn viên không ngần ngại bỏ tiền tỷ để sản xuất hàng loạt phim nhiều tập. Tất cả đều… phát miễn phí, trên các kênh “Web drama” của chính họ.
Lạ kỳ, nhưng điều đó không có nghĩa triết lý không ai cho không ai bất cứ thứ gì của Adam Smith đã hết thời. Bởi nếu phủ nhận, những người cung cấp của nả một cách phờ-ri như vậy về lâu về dài sẽ phải sống bằng gì?
Thực ra, rao bán phờ-ri là cách kinh doanh được nuôi sống bằng… niềm tin. Họ cho không biếu không với những người này để thu thập… nhân tâm: lượt like, lượt view, lượt người theo dõi, và thậm chí là fanclub. Tiếp đó, họ đem… bán “niềm tin” đó cho rất nhiều người có nhu cầu khác để lấy tiền, thậm chí có thể là rất nhiều tiền.
Google, Facebook, Youtube,… thực ra đang đứng ra giúp tất thẩy chúng ta trong cuộc chơi đó. Ai cần cho không bán không một món hàng cho người ngày để thu tiền của người kia bằng lượt like, lượt view thì đến. Ai có nhu cầu thông tin, kết nối, nhu cầu giải trí mà không tiền cũng đến. Ai có tiền muốn tiếp cận người quen like, quen view cũng vậy. Thực tế cho thấy, các nhãn hàng, các nhà quảng cáo đã có thể bỏ qua phương thức truyền thống để tiếp cận với cộng đồng khách hàng từ những lượt like, share, và view đó.
Những mối liên hệ đầy hấp dẫn, tưởng không tiền mà giúp không ít người hái ra tiền này đã được các kinh tế gia gọi là ngoại tác mạng lưới, và đó là đặc trưng mang giá trị ưu trội của mô hình kinh doanh mới.
Mọi tiếp cận dựa trên mô típ cũ khó có thể trả lời được người kinh doanh theo mô hình đó sống bằng gì. Việc bỏ qua, hoặc hủy diệt, các tác động kinh tế tích cực của tác động mạng lưới đặc thù đều có thể triệt tiêu xu hướng kinh doanh mới, và vì vậy có thể triệt tiêu luôn động lực phát triển trong thời đại số. Tiếp cận này vì vậy rất ý nghĩa đối với các nhà hoạch định chính sách có liên quan.
Trở lại câu chuyện share link bài báo của mình, tôi có thể bị chủ sở hữu bào báo kiện nếu không phải chia sẻ link bài báo khi không có nút lệnh. Tuy nhiên, trên thực tế thì điều này dường như không thể diễn ra bởi chính người sở hữu bài báo đó đang muốn tôi share để họ có thêm độc giả, thêm sự ảnh hưởng và có thêm lợi ích kinh tế. Do đó, chừng khi nào lượt read/view, like, share của người đọc không mang lại ích lợi cho các trang báo thì chừng đó thì họ mới kiện.
Ngày nay, khi nào con số ranking trong các top bình chọn còn là căn cứ quan trọng để định giá các giao dịch có liên quan trên các kênh truyền thông thì số lượt like/share các kiểu này vẫn còn có tác dụng tạo ra giá trị có thể tính bằng tiền cho các trang chủ. Cho nên, nếu việc share link bài bào nếu không được… trả tiền, cỗ vũ, hay chí ít đó là một hành động “đẹp” mà một độc giả cần phải làm để bù lại cho giá trị thụ hưởng từ việc đọc bài phờ-ri thì nó cũng không phải là việc bị cho là… vi phạm.
Cũng không phủ nhận các trang mạng xã hội đã “được” khi có nhiều link bài báo được share về. Nhưng nếu họ “cấm cửa” thì các bài báo mong muốn được share của các trang báo chủ cũng không có cơ hội đạt được mong muốn của họ. Win-win là mối tương quan khó đạt được sự cân bằng tuyệt đối. Nhưng để yêu cầu, chưa chắc ai phải trả phí hay chia sẻ doanh thu (quảng cáo) cho ai.
Lại một lần nữa, sẽ không ai cho không ai bất cứ thứ gì. Công nghệ số thực chất đều có thể cho phép các sở hữu chủ “cấm cửa” những việc làm mà họ không mong muốn. Vậy nên mới có chuyện lâu, các bên trong cuộc chơi mới tự do, và tự nguyện, thả cửa những gì mà mình cần, theo kiểu của ông phờ-ri qua thì của bà phờ-ri lại, rồi sau dó doanh thu (quảng cáo) từ tường nhà ai thì nhà đó hưởng.
Nói tóm lại, tôi đã tự tin hơn để share link bài viết. Nhưng nghĩ rộng ra, nền kinh tế muốn tận hưởng ích lợi của internet, công nghệ và kinh tế số thì rất khó lòng phủ nhận những tác động tích cực từ các mô hình kinh doanh mới như vậy. Việc tiếp cận cố để áp đặt nghĩa vụ bắt buộc không phù hợp quy luật kinh tế, hay cấm, phạt các hành vi không đúng bản chất của nó vì vậy đều có thể sẽ mang lại tác dụng ngược.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: