Khó cả trong lẫn ngoài
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong tháng 9 lượng thép xây dựng của các DN thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) bán ra chỉ đạt 353.792 tấn, giảm 3,87% so với tháng 8, và giảm 2,29% so với cùng kỳ năm 2012. Sức ép đang đè nạng lên vai DN sản xuất và kinh doanh thép bởi giá cả đầu vào đều có xu hương tăng nhẹ như: Phôi thép, thép phế, HRC, quặng sắt… cùng với đó là sức ép giá điện tăng, hàng ngoại nhập tràn về. Trong khi giá bán lại không có gì thay đổi, khiến các DN ngành thép buộc phải sản xuất cầm chừng, tồn kho đang vượt mức cho phép, thậm chí một số DN trong nước đã phải ngừng hoạt động.
Trong khi những khó khăn trên chưa có cách nào giải quyết thì các DN thép trong nước tiếp tục phải khốn đốn với thép NK. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 31-8, tổng lượng thép và nguyên liệu sản xuất thép NK vào Việt Nam đã đạt trên 8,545 triệu tấn; kim ngạch NK đạt trên 5,483 tỷ USD. Trong đó, phôi thép là 275.765 tấn, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2012; thép tấm lá đen là 3.257.589 tấn, bằng 108% so với cùng kỳ; thép cuộn là 113.376 tấn... Điều đáng nói, ngoài những sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được và đang thiếu thì việc NK là bình thường, nhưng NK cả những sản phẩm thép đang dư thừa, đặc biệt là thép xây dựng thì rất vô lý.
Theo VSA, nguyên nhân khiến thị trường thép vẫn trì trệ là do thị trường bất động sản vẫn đóng băng, trong khi lượng cung vượt cầu quá xa, cùng với sức ép của thị trường do thép Trung Quốc giá rẻ vẫn nhập vào Việt Nam quá nhiều khiến cho thép nội phải cạnh tranh gay gắt, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất trong nước. Ông Trần Ngọc Anh - Phó tổng giám đốc Cty Thép Việt - Ý cho biết, thép Trung Quốc khi NK vào Việt Nam có lợi thế về lãi suất, thuế, trợ giá. Có loại thép khi NK vào rẻ hơn thép trong nước tới 1 triệu đ/tấn, DN trong nước khó mà cạnh tranh được. Chưa kể, các DN Trung Quốc luôn có một lượng thép dư thừa rất lớn luôn sẵn sàng tràn vào Việt Nam với giá rẻ và chỉ yêu cầu bên mua ký quỹ 10% - 30% là cho NK trả chậm. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, các DN thép vẫn chưa tiếp cận được nguồn lãi suất thấp cũng như chưa có tác động cải thiện nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa với sản phẩm thép.
Bên cạnh đó, ngành thép còn đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức do một số nước châu Mỹ, châu Âu đang áp dụng thuế chống phá giá với thép XK của Việt Nam. Nhiều nước còn ban hành thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian nhằm hạn chế NK với mục tiêu bảo hộ các DN nội địa. Chính những điều này đang đẩy các DN thép vào tình trạng “sống dở, chết dở” như hiện nay.
“Lối đi” nào cho thép Việt?
Theo thống kê của VSA cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 460 DN sản xuất thép, tăng gần 6 lần so với năm 2000, công suất thép xây dựng cả nước đã lên đến 9 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ của cả nước trong những năm gần đây chỉ đạt chừng trên dưới 6 triệu tấn/năm tùy thời điểm.
Trong khi đó, khó khăn và yếu kém nhất của ngành thép hiện nay là do nguồn vốn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu đi vay, nguồn nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào NK phôi, cộng với công nghệ lạc hậu... dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, từ đó tạo nên sức cạnh tranh yếu. Theo số liệu thống kê, hiện có gần 30% DN ngành thép sử dụng công nghệ lạc hậu, hơn 40% sử dụng công nghệ ở mức trung bình. Chỉ khoảng 30% sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.
Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, để tồn tại, các DN cần có phương án loại dần những công nghệ lạc hậu bởi giá năng lượng ngày càng tăng cao, từng bước nâng cao công nghệ sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chú trọng đầu tư phát triển sản xuất theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung - cầu của thị trường và tăng cường XK, mở rộng thị trường.
Về việc tìm lối ra cho ngành thép, Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi cho biết, nguồn cung thép hiện nay đã vượt xa cầu, buộc các DN phải tính đến hướng XK. Tuy nhiên, để việc XK đạt hiệu quả, cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới Xk vật liệu xây dựng vào các thị trường lớn và có tiềm năng lâu dài. Các hiệp hội nên chủ động xây dựng mạng lưới, chủ động tổ chức hợp tác XK, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, tiến hành khảo sát và nghiên cứu thị trường để xuất khẩu những sản phẩm phù hợp.
Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thép Pomina, ngành thép cần tăng năng lực đầu tư sản xuất phôi thép để tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn NK. Lãi suất trung hạn của các ngân hàng cần phải tiếp tục giảm xuống thì mới có tác động rõ rệt đến tăng trưởng của ngành thép. Bởi thực trạng thời gian qua cho thấy, các DN thép trong nước làm ăn thua lỗ, trong khi DN nước ngoài vẫn “sống khỏe” do nguồn tài chính dồi dào khi họ luôn được chính phủ của mình hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất thấp.