Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh vừa có báo cáo gửi các ĐBQH về kết quả thực hiện lời hứa khi trả lời chất vấn, trong đó có nội dung tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch sân gôn.
Không cấp phép sân gôn trên đất lúa
Theo Bộ trưởng, Bộ đã chỉ đạo tập các địa phương, bộ, ngành liên quan tiến hành việc rà soát, kiểm tra để bảo đảm chắc chắn các dự án sân gôn chỉ được cấp phép khi không có diện tích đất lúa, kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp.
Theo đó, chỉ được xây dựng sân gôn tại các vùng đất cát ven biển, đất đồi núi trọc, đất hoang hoá; tuyệt đối không được sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị và không được sử dụng đất đã cấp cho xây dựng sân gôn để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.
Ông cho hay, sẽ kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định đầu tư nếu dự án sân gôn vi phạm về tiến độ đăng ký, triển khai chậm và không hiệu quả; xử lý theo quy định của luật Môi trường nếu vi phạm về môi trường.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Thủy Chung |
Liên quan việc triển khai chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch sân gôn, Bộ trưởng cho hay một số nội dung.
Theo quy hoạch được phê duyệt tại quyết định 1946/QĐ-TTg, cả nước có 90 sân gôn, nằm trên 34/63 tỉnh, thành phố; đã loại ra 76 sân gôn, thu hồi lại trên 15.600 ha đất các loại so với trước khi có quy hoạch.
Đến nay, trong số 90 sân gôn nằm trong quy hoạch được duyệt, 29 sân đã đưa vào khai thác, sử dụng; 22 sân đang xây dựng; 29 sân được cấp giấy phép đầu tư và có chủ trương đầu tư; 10 sân không đáp ứng tiêu chí, điều kiện hình thành theo quy định nên đã được đề nghị đưa ra khỏi danh mục quy hoạch.
Giám sát các tập đoàn
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, liên quan cải cách doanh nghiệp nhà nước, đến nay Bộ đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ thông qua nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Trong đó đã phân cấp tương đối rõ quyền và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường theo hướng: thống nhất nhận thức về quản trị doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế công bố thông tin áp dụng đối với tập đoàn và tổng công ty nhà nước theo các chuẩn mực tương tự như đối với các công ty niêm yết; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế hỗ trợ nâng cao hiệu lực cải thiện quản trị doanh nghiệp.
Hiện nay, Bộ đang tích cực chủ trì, phối hợp soạn thảo nghị định về quản lý, giám sát các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng; triển khai nghiên cứu, xây dựng để trình Đề án “Tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước”; trong đó đề xuất mô hình cơ quan quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Bộ đã triển khai nghiên cứu, rà soát, phân tích, đánh giá quá trình thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, kiến nghị dừng việc thí điểm thành lập để tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: