HOREA cảnh báo nợ xấu có thể phát sinh thêm tới 350.000 tỷ đồng và HOREA cho biết rất hoan nghênh dự thảo giải quyết những vấn đề ngăn cản sự phát triển của nền kinh tế và tạo điều kiện cho tín dụng hoạt động bình thường.

Vậy tình hình thị trường bất động sản ra sao, liệu có phát sinh nợ xấu lớn hay không? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây.

Dự kiến sẽ phát sinh nợ xấu thêm 350.000 tỷ đồng trong 5 năm tới

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thì tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã lên tới trên 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Cũng theo báo cáo tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỷ đồng, chiếm tới 3,39% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán chưa xử lý được, đã trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.

Nếu tính gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã mua nhưng chưa xử lý được thì có nguy cơ cao trở thành nợ xấu và trên cơ sở tính toán thận trọng của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ này chiếm khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay. Trong điều kiện áp dụng các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm nợ xấu vẫn tiếp tục phát sinh thêm 1,3 – 1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan và chủ quan riêng.

Đồng thời, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân trong mỗi năm khoảng 16% trong vòng 5 năm tới thì dự kiến trong 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỷ đồng, khi đó tổng nợ xấu sẽ lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng và đây là vấn đề cần phải được xử lý hiệu quả, mà không gây tác động tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Nợ xấu có thể khiến hàng loạt dự án “đắp mền”

Chủ tịch HOREA cho rằng nợ xấu bao gồm hơn 90.000 tỷ đồng nợ đọng lại trong xây dựng cơ bản trong nhiều năm qua. Nợ xấu có mối liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản và các ngành có liên quan khác đến bất động sản.

Nợ xấu cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới có nhiều dự án bất động sản phải “đắp mền”, dở dang, riêng tại TP HCM đã có khoảng 500 dự án phải ngừng triển khai.

Nợ xấu thường được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là bất động sản, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai.

Dễ thấy “Nợ xấu” nhưng tài sản bảo đảm lại không xấu vì thông thường bất động sản khi thế chấp vay tín dụng chỉ được tổ chức tín dụng có trị giá phổ biến ở mức trên dưới 60% giá trị thực.

Tài sản bảo đảm nợ xấu có thể là tài sản của người đi vay cũng có thể là tài sản của bên thứ ba (là người bảo lãnh vay tín dụng), cũng có trường hợp là căn hộ của người mua nhà trong dự án mà các chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng… Do vậy, khi xử lý những trường hợp về nợ xấu đề nghị cần xem xét bao quát các vấn đề.

Dù thế nào cũng phải bảo đảm quyền lợi người mua nhà

Hiệp hội Bất động sản TP HCM cơ bản đã nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo sau: “Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” và cũng có đóng góp một số ý kiến.

Cụ thể, về đối tượng áp dụng (trong điều 2), đề nghị bổ sung khoản: Các cơ quan và tổ chức, cá nhân có liên quan, người bảo lãnh vay, người đi vay, người mua nhà trong các dự án bất động sản đều là tài sản bảo đảm.

HOREA cũng nhất trí với 4 nguyên tắc xử lý nợ xấu trong dự thảo, nhưng có đề nghị bổ sung thêm việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người đi vay, người bảo lãnh vay và người mua nhà trong dự án mà các chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng.

Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, Hiệp hội tán thành nội dung quy định thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định, chỉ thực hiện đối với tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không bị kê biên trong vụ án hình sự để đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho người bảo lãnh vay, người mua nhà trong các dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng.

Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, Hiệp hội tán thành cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng trong nước và nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng qua các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đáp ứng các điều kiện.