Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến tháng 8-2014 cả nước có 1.688 nhà chung cư cũ, trong số 1.155 nhà chung cư tại Hà Nội có khoảng 70 nhà thuộc loại nguy hiểm cấp C. Tái thiết chung cư cũ là mục tiêu đã được đặt ra từ lâu, song 10 năm nay, tình hình hầu như không có gì biến chuyển. Xây dựng lại những khu chung cư cũ không còn là việc có nên làm hay không mà đã trở thành vấn đề hết sức cấp bách.
10 năm chỉ cải tạo được 52 chung cư cũ
Theo nhận định của lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tuy đã rất cố gắng nhưng Hà Nội mới chỉ có 14 chung cư, TP Hồ Chí Minh chỉ có 38 chung cư được xây dựng lại. Con số Bộ Xây dựng đưa ra ở trên cho thấy, đang có hàng ngàn nhà chung cư cũ có nhu cầu phải tái thiết để cải thiện đời sống cho người dân. Trong số này, chỉ riêng Hà Nội đã có tới 70 tòa nhà chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm được xếp vào cấp nguy cơ cao nhất.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hầu hết các chung cư cũ đều được xây dựng cách đây 30 – 50 năm, song do quản lý kém, không được bảo trì, sửa chữa nên nhiều nơi bị thấm dột, bong tróc, hoen rỉ, mối mọt, còn hệ thống điện nước hay bị trục trặc. Một số nhà do nền móng yếu nên bị lún nứt qua thời gian.
Các căn hộ, nhất là khu bếp và vệ sinh có diện tích nhỏ, chật chội. Kiến trúc bên ngoài thô sơ, lại thêm tình trạng cơi nới khiến diện mạo các khu chung cư cũ càng trở nên xấu xí, gây cho bộ mặt đô thị vẻ bề ngoài nhếch nhác, chắp vá. Đặc biệt là tình trạng thiếu không gian công cộng, môi trường nước và không khí bị ô nhiễm… Đó là những vấn đề rất nhức nhối tại các khu chung cư cũ thời gian qua.
TS Liêm cho biết, chủ trương tái thiết chung cư cũ đã được đặt ra từ 10 năm nay, song thực tế số lượng chung cư cũ được cây mới lại, chỉ là một con số rất khiếm tốn so với con số thực đang cần cải tạo (Hà Nội: 14, TP.Hồ Chí Minh: 38), trong khi có tới gần 1.700 chung cư cũ đang có nhu cầu phải cải tạo. Sở dĩ 10 năm, chương trình tái thiết chung cư cũ mới chỉ đạt được con số rất nhỏ bé trên, theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên nhân là do: Các doanh nghiệp bất động sản không mặn mà vì ít lợi nhuận nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với cộng đồng chung cư; Ở chiều ngược lại, cộng đồng chung cư cũng không đồng thuận vì chưa bằng lòng với mức độ bồi thường hoặc phương thức tái định cư. Và những sự bất đồng nói trên đều bắt nguồn từ việc Nhà nước thiếu cơ chế đồng bộ, chưa đảm bảo lợi ích của các bên tham gia, thiếu chế tài mạnh. Ngoài ra còn do quy hoạch chung về hạn chế chiều cao của nhà cao tầng và yêu cầu giảm dân số nội đô...
Tái thiết không đơn thuần đập đi xây lại…
Theo lãnh đạo Tổng hội Xây dựng, chủ trương phải tái thiết toàn bộ khu chung cư chứ không làm nhỏ lẻ và phải kết hợp hài hòa 3 lợi ích của Nhà nước, của các hộ sở hữu chung cư và nhà đầu tư là đúng đắn. Song trên thực tế, hiện nay, đang xảy ra thực trạng, chính sách tái thiết chung cư cũ hiện hành quá đề cao vai trò của nhà đầu tư tư nhân mà thiếu coi trọng đúng mức vai trò của cộng đồng chung cư, còn vai trò của chính quyền đô thị lại chưa thật rõ ràng… Bởi vậy, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, tái thiết chung cư cũ cần bám theo phương châm: "Cộng đồng chung cư làm chủ, chính quyền đô thị tạo điều kiện và giúp đỡ, doanh nghiệp bất động sản tham gia”. Như vậy mới đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích của ba bên: Nhà nước, DN và các chủ sở hữu chung cư.
Tái thiết chung cư cũ không chỉ đơn thuần là việc đập đi xây lại, mà cần phải có một cái nhìn tổng thể để tạo nên không gian "đáng sống”, nếu không, sẽ gây ra những tác dụng ngược để rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc: Chung cư xây xong trở thành những chung cư "ma” vì không có người đến ở.
Theo nhận định của KTS Trần Huy Ánh, không chỉ ở Việt Nam mà các cuộc tái thiết chung cư khắp thế giới đã có chung một kết quả đúng: Phải cung cấp được các dịch vụ công cộng cùng tiện ích tốt nhất. Bởi vậy, KTS Ánh cho rằng, rất cần sự nghiên cứu nghiêm túc để các bên cùng nhận thấy rằng, không gian công cộng sẽ là cứu cánh cho các dự án bất động sản nói chung và các dự án tái thiết chung cư cũ nói riêng. Không gian công cộng làm gia tăng giá trị BĐS đồng thời tăng giá trị sống của đô thị, tạo nên tính hấp dẫn của thành phố... Nơi nào càng có sáng tạo trong loại hình dịch vụ không gian công cộng sẽ càng có sức hấp dẫn.