Quy hoạch Hà Nội: Đô thị vệ tinh vẫn chỉ nằm trên giấy

Sau nhiều năm, những đô thị vệ tinh vẫn “nằm trên giấy”, trong khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội tiếp tục gánh áp lực lớn.

Sau nhiều năm, những đô thị vệ tinh vẫn “nằm trên giấy”, trong khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội tiếp tục gánh áp lực lớn.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô. 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, những đô thị vệ tinh này vẫn chỉ “nằm trên giấy”, trong khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội tiếp tục phải gánh áp lực lớn về dân số, quá tải hạ tầng…
Mô hình khu vực trọng tâm chính của đô thị vệ tinh Xuân Mai.
Theo quy hoạch chung, Xuân Mai thuộc huyện Chương Mỹ là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của đô thị trung tâm Hà Nội, được định hướng phát triển thành đô thị dịch vụ – công nghiệp, là cửa ngõ giao thông phía Tây Hà Nội giao thương với các tỉnh phía Tây Bắc, là đô thị đại học với trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng và là đô thị sinh thái.
Tuy nhiên, sau gần 9 năm hợp nhất Thủ đô Hà Nội, đã có quy hoạch chung Thủ đô, nhưng về cơ bản toàn bộ phía Tây Hà Nội vẫn “giẫm chân tại chỗ”, không có nhiều thay đổi đáng kể.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ cho hay, hiện chưa có trường đại học nào chuyển hẳn về Xuân Mai, định hướng xây dựng khu công nghiệp với quy mô gần 200 ha tại đây vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Huyện Chương Mỹ còn được quy hoạch đô thị sinh thái Trúc Sơn, nhưng đến nay vẫn “hữu danh vô thực”.
Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này phải kể đến là hạ tầng giao thông kém phát triển. Chỉ cách hơn 20km, nhưng đi từ nội thành Hà Nội đến Trúc Sơn phải mất khoảng 1 giờ 30 phút vì tắc đường liên miên, trong khi đi từ Hà Nội đến Hải Phòng trên 100km chỉ hết hơn 1 giờ đồng hồ.
Ông Đinh Mạnh Hùng cho rằng, muốn thực hiện được theo quy hoạch, thì giao thông phải đi trước một bước: “Giao thông không có thì ai người ta mặn mà, làm sao mà thu hút được đầu tư? Làm sao mà di chuyển được các trường đại học, bệnh viện? Cho nên là phải có giao thông đi trước một bước. BOT không được, BT không được, PPP không được thì phải đầu tư ngân sách, phát hành trái phiếu, từ có con đường thì mới khai thác quỹ đất mới trả được. Chứ đợi bán đất hiện nay chỉ 3-5 triệu/m2, nếu có con đường thì không những 20 triệu mà 40 triệu/m2? Thế thì tại sao chúng ta không đầu tư trước? Cứ mãi câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước?”.
Việc phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề huy động nguồn lực đầu tư. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng của thành phố cần nhìn nhận đầy đủ hơn về các chính sách thu hút đầu tư cho 5 đô thị vệ tinh.
Câu hỏi đặt ra là tại sao khu đô thị Ecopark nằm ở Hưng Yên, chẳng cần phải thuộc đô thị vệ tinh nào mà vẫn bán nhà đắt như tôm tươi? Hay tại sao Tập đoàn Samsung lại chọn đầu tư lên Thái Nguyên chứ không phải ở Sóc Sơn?
Ông Phạm Sỹ Liêm nêu vấn đề: “Tại sao Samsung lại đầu tư lên Thái Nguyên mà lại bỏ qua Sóc Sơn cho dù gần sân bay gần cảng hơn, lại được phong là đô thị vệ tinh mà lại lên Thái Nguyên? Hay là chúng ta phong Xuân Mai là đô thị đại học nhưng tại sao các trường đại học lại muốn về Hà Nam hay Bắc Ninh chứ cũng không lên Xuân Mai? Tôi xin nói là đại học nào lên Xuân Mai thì chắc thầy giáo họ cũng sẽ bỏ trường ở lại nội thành thôi”.
Rõ ràng, các đô thị vệ tinh chưa hình thành được do thiếu nguồn lực, thiếu hạ tầng giao thông, nên không thu hút được đầu tư, không di dời được trường học, bệnh viện…, càng không hút được dân số để giảm áp lực cho nội đô.
Trong khi đó, nguồn lực lớn từ quỹ đất trong nội đô lại không được sử dụng hiệu quả. Hà Nội đầu tư những dự án “đắt nhất hành tinh” nhưng lại không thu được tiền chênh lệch về đất; phát triển quá nhiều dự án cao tầng nhưng vẫn không thu được nhiều nguồn lực để phát triển các đô thị vệ tinh.
Ông Lã Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung - quy hoạch chuyên ngành, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, thực trạng này sẽ được đánh giá để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới: “Sở Quy hoạch - Kiến trúc mới được UBND thành phố Hà Nội giao thời gian tới sẽ chủ trì tổ chức lại và thẩm định chương trình phát triển đô thị Hà Nội trong đó có đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, để làm sao những định hướng chiến lược sẽ được cụ thể hóa bằng chương trình kế hoạch cụ thể, khắc phục tình trạng ở đâu cũng cho dự án vào, ở đâu cũng phát triển đô thị, dẫn đến lãng phí nguồn lực rất lớn của Hà Nội”.
Bên cạnh vấn đề nguồn lực, theo kiến trúc sư Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng – Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, để phát triển nhanh các đô thị vệ tinh, cần có giải pháp khai thác tối đa tiềm năng du lịch, kết nối các đô thị này thành chuỗi du lịch: “Tiềm năng chính cho các đô thị vệ tinh nên được gắn kết với du lịch. Ở phía Bắc thì gắn kết với du lịch Tam Đảo, khu vực này gắn kết được với Sóc Sơn, gắn được cả vành đai du lịch Tam Đảo; còn khu vực Chương Mỹ, Mỹ Đức gắn kết được với khu du lịch Hương Sơn, Kim Bôi…thành một chuỗi du lịch. Kết nối được thì có cơ hội cho các đô thị vệ tinh từ Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai… có thể kết nối được thành các chuỗi và hành lang phát triển du lịch”
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch chung cũng mang tính dự báo, nên chưa hẳn sẽ chính xác hoàn toàn. Sau một thời gian khá dài, đến nay các động lực phát triển cho 5 đô thị vệ tinh này có nhiều thay đổi, cho nên cần có sự xem xét, đánh giá lại cho phù hợp với thực tiễn, tránh để tình trạng cứ “phong” đô thị vệ tinh rồi lại để đấy.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24