11 năm kể từ khi quy hoạch chung TP.HCM năm 2010 được phê duyệt, quỹ đất dành cho giao thông của thành phố hiện nay chỉ đạt gần 36% theo quy hoạch (7.841/21.835 ha). Các đường vành đai đều chưa được khép kín.
Trong 8 tuyến metro, chưa tuyến nào được đưa vào sử dụng. Xe buýt chỉ chiếm khoảng 9,3% nhu cầu giao thông, trong khi quy hoạch đến năm 2020 là 20-25%. Đặc biệt, diện tích bến bãi hiện hữu chỉ đạt 6,2% so với quy hoạch (71,62/1.141 ha).
Những con số khiêm tốn này lộ ra hạn chế trong việc thực thi quy hoạch chung tại TP.HCM cũng như năng lực dự báo trong chính bản quy hoạch năm 2010. Trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, việc xem xét lại những "lỗ hổng" trong bản quy hoạch chung năm 2010 sẽ giúp TP.HCM xây dựng một quy hoạch hoàn chỉnh và khả thi hơn.
"4 chưa"
Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch chung TP.HCM năm 2010, Phó ban Đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Tấn Tuyến cho rằng đồ án này mới thực hiện được hạ tầng khung. Tuy nhiên, so với quy hoạch dự kiến, khối lượng thực hiện còn chậm, chưa đạt như kỳ vọng.
"Tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường vẫn còn. Thiếu diện tích công viên cây xanh. Trường học, bệnh viện còn tình trạng quá tải. Điều này cho thấy thành phố đã đặt ra chỉ tiêu phát triển cao nhưng mang lại kết quả khiêm tốn", ông Tuyến thẳng thắn nhìn nhận.
Ông Tuyến nêu thực tế người dân vẫn còn bức xúc khi có nhà đất bị vướng quy hoạch liên quan đến đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới. Các dự án phải thu hồi đất của người dân để phát triển chưa đảm bảo thời gian triển khai. Vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra.
Kẹt xe vẫn là vấn đề đô thị kéo dài tại TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.
Từ những dẫn chứng trên, ông Tuyến chỉ ra "4 chưa" trong quy hoạch chung của TP.HCM.
Về công tác quản lý Nhà nước, thành phố chưa có nhiều chính sách đồng bộ khuyến khích kêu gọi thu hút đầu tư phát triển đô thị, còn khó khăn, vướng mắc do thủ tục pháp lý, quy trình thực hiện. Thực tế, phát triển đô thị vẫn tập trung ở khu vực trung tâm hiện hữu và lan rộng ra. Bốn hướng phát triển chưa được đầu tư để hình thành các cực hút theo quy hoạch, chưa phát huy hiệu quả giãn dân nội thành.
Thứ hai, liên kết quy hoạch ngành, vùng liên quan chưa cao, chưa có khả năng phát triển tương trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Quy hoạch giao thông, hệ thống thoát nước, sử dụng đất, xử lý chất thải… còn có độ vênh, chưa đồng bộ với quy hoạch chung.
Thứ ba, TP.HCM chưa có chương trình phát triển đô thị được phê duyệt căn cứ vào đồ án quy hoạch chung thành phố nên chưa xác định rõ các khu vực phát triển đô thị và kế hoạch phát triển đô thị.
Thứ tư, nguồn lực vừa thiếu, vừa bị phân bổ dàn trải, không đủ lực nên không tập trung giải quyết được các dự án có tính chất trọng điểm, cấp bách đặt ra.
"Việc quy hoạch không khả thi hoặc không được thực thi sẽ 'treo' quyền lợi của người dân", ông Tuyến khuyến cáo.
TP.HCM chưa có quy hoạch chung mang tính chiến lược
Có quan điểm tương tự ông Tuyến, trong buổi thảo luận mới đây của HĐND TP.HCM về quy hoạch chung, ThS KTS Ngô Anh Vũ, Phó giám đốc phụ trách Viện Quy hoạch xây dựng, thống kê trong 11 năm, TP.HCM đã phủ kín khoảng 600 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 - 1/5.000 để quản lý, mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, thành tựu còn khiêm tốn do thiếu nguồn lực.
"Đồ án trước đây chưa tính toán kỹ nguồn lực và phương thức huy động nguồn lực nên đã dự kiến phát triển khối lượng lớn hơn nhiều lần nguồn lực có được", ông Vũ đánh giá.
Chuyên gia cho biết đồ án được duyệt gồm phần vẽ và phần viết. Ông đánh giá phần vẽ quá chi tiết so với yêu cầu làm mất đi tính linh hoạt và khả năng điều chỉnh theo biến động của thị trường. Còn phần viết chưa đề cập sâu hoặc xây dựng một chương trình - kế hoạch thực thi quy hoạch thật cụ thể theo hình thức phân kỳ đầu tư, ai đầu tư.
TP.HCM vẫn chưa có một quy hoạch chung mang tính chiến lược. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cũng thừa nhận TP.HCM vẫn chưa thực sự có một quy hoạch chung mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài về phát triển vùng đô thị TP.HCM.
"Thực trạng bức tranh quy hoạch nhiều khu vực thiếu khả thi, không phản ánh rõ những mô hình phát triển kinh tế - xã hội, thiếu nguồn lực Nhà nước và còn khoảng cách giữa bản vẽ quy hoạch và năng lực, nguồn lực thực tế", ông Nhã rút ra bài học.
Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ mới chỉ là tên gọi
Đánh giá đồ án quy hoạch chung năm 2010 còn nhiều hạng mục chưa được thực hiện, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng nguyên nhân là tầm nhìn, tri thức và bối cảnh của 11 năm trước hoàn toàn khác với hiện tại.
"Đồ án quy hoạch kiến trúc năm 2010 bị giới hạn bởi tầm nhìn với tri thức nên chỉ hình dung trong phạm vi đó thôi. Nhưng càng ngày, kinh tế càng phát triển, cấu trúc thành phố thay đổi, sự dịch chuyển của cư dân đều tác động lên quy hoạch", KTS Mười nêu quan điểm.
Chuyên gia chỉ ra rằng TP.HCM hiện có nhiều khu chức năng nhưng chưa đồng bộ, chưa hỗ trợ lẫn nhau. Cùng với đó, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ đã được Thủ tướng cho phép nhưng mới chỉ là tên gọi, kết nối giữa các tỉnh vẫn chưa có và chỉ phát triển cục bộ.
Do đó, ông cho rằng lần điều chỉnh quy hoạch chung này cần đề cao nhiệm vụ kết nối trong chính TP.HCM và cả vùng Nam Bộ. Trong đó, thành phố cần đặc biệt chú trọng phát triển giao thông.
Nhiều chuyên gia cho rằng bất động sản khu đô thị Tây Bắc đang tắc nghẽn vì giao thông. Ảnh: Quỳnh Danh.
Nói về giải pháp, chuyên gia cho rằng với điều kiện có hạn, ngân sách Nhà nước không thể lo toan hết mọi vấn đề mà cần một cơ chế xã hội hóa để thu hút tư nhân đầu tư. Đồng thời, trong thời gian tập trung đẩy mạnh một khu vực theo quy hoạch, thành phố cũng cần chuẩn bị cho việc đầu tư những khu vực khác.
Ví dụ, trong khi tập trung xây dựng TP Thủ Đức, thành phố cũng cần đẩy các thủ tục pháp lý, quy hoạch... cho khu đô thị Tây Bắc. Khi TP Thủ Đức đã tương đối ổn định, TP.HCM cần quay lại làm những khu vực chưa phát triển như Tây Bắc - Củ Chi.
"Đẩy mạnh một khu vực, rồi từ từ làm công tác chuẩn bị cho khu vực khác, chứ không phải đổ tiền ào ra đầu tư một lần, không cách nào mà đủ hết, mà đợi cái này làm xong rồi mới làm cái khác cũng không đúng", ông Mười nhận định.
Theo kế hoạch, trong quý I/2021, UBND TP.HCM sẽ hoàn tất hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, gửi Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Trong lần điều chỉnh quy hoạch này, thành phố tiếp tục định hướng phát triển không gian TP theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là nội thành cùng 4 cực phát triển.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: