Sáng nay (11/11), Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, với 12 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu | Mục tiêu năm 2021 |
Tăng trưởng kinh tế | 6% |
GDP bình quân đầu người | 3.700 USD |
Tốc độ tăng CPI bình quân | 4% |
Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng | 45-47% |
Tốc độ tăng năng suất lao động | 4,8% |
Tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ | 66% và 25,5% |
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế | 91% |
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) | Giảm 1-1,5 điểm phần trăm |
Tỷ lệ dân cư thành thị được cung cấp nước sạch | Trên 90% |
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị | Trên 87% |
Tỷ lệ khu công nghiệp, chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn | 91% |
Tỷ lệ che phủ rừng | 42% |
12 chỉ tiêu vừa được Quốc hội thông qua
Trong đó, chỉ số mục tiêu GDP năm 2021 tăng trưởng 6%, GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD, CPI khoảng 4%.
Với mức tăng trưởng 6% được Quốc hội giao, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.
Chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động là 4,8%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo là 66%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 25,5%.
Đồng thời, Quốc hội cũng đề ra một số chỉ tiêu về môi trường như: tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình đề ra, theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.
Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành. Xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: