Nhiều doanh nghiệp ngành thép báo lỗ nặng trong quý 1/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cũng có những doanh nghiệp lãi lớn
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong quý 1/2020, hoạt động sản xuất, bán hàng các sản phẩm thép trong nước trầm lắng. So với cùng kỳ năm 2019, sản xuất thép các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, giảm 6%; giao dịch bán hàng đạt hơn 5 triệu tấn, giảm 12,4%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 21,3%.
Về nhập khẩu, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, các thị trường trên thế giới đều nằm trong tình trạng kiểm soát bệnh dịch, khiến nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của ngành thép bị gián đoạn, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, thị trường thép vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan khi nhiều doanh nghiệp trong ngành liên tục báo lãi.
Tập đoàn Hoa Sen báo lãi tăng đột biến trong quý 1/2020 với sản lượng tiêu thụ ước đạt 338.674 tấn và doanh thu ước đạt 5.780 tỉ đồng, giảm lần lượt 8,6% và 16,3% so với cùng kỳ. Hoa Sen ước lãi sau thuế đạt 200 tỉ đồng trong quý 2, tăng đến 277%.
Lý giải về lợi nhuận tăng vọt trong quý 2 của HSG, ban lãnh đạo công ty cho rằng là do chủ trương không theo đuổi chính sách cạnh tranh về giá để tập trung chất lượng sản phẩm, dịch vụ nên biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, công ty đã chủ động giảm nợ vay ngân hàng và kiểm soát hàng tồn kho để giảm chi phí. Lợi nhuận gộp tăng và chi phí giảm đã làm cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hoa Sen tăng mạnh.
Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu quý 1/2020 đạt 19.450 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.305 tỉ đồng, tương ứng tăng 28% và 27% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận của Hòa Phát cao nhất kể từ quý 3/2018 nhờ hai ngành mũi nhọn là thép và nông nghiệp.
Trong quý 1, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường hơn 732.000 tấn thép xây dựng, chiếm 31,9% thị phần, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thép thành phẩm xuất khẩu đạt gần 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường gần 145.000 tấn, giữ thị phần 31,1%. Doanh nghiệp này cũng xuất khẩu ống thép ra các nước trên thế giới với sản lượng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ 2019.
Thép Nam Kim cũng ghi nhận doanh thu thuần trong quý 1/2020 đạt gần 2.452 tỉ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn giảm mạnh, gần 24%, giúp công ty báo lãi gộp hơn 212 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ hơn 1 tỉ đồng.
Mặc dù các loại chi phí chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh doanh nghiệp đều tăng mạnh, nhưng Thép Nam Kim vẫn báo lãi hơn 41 tỉ đồng, hoàn thành 20,5% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
Bên cạnh những doanh nghiệp báo lãi, nhiều doanh nghiệp ghi nhận tình hình kinh doanh ảm đạm trong quý 1 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thép Vicasa (VCA) công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 giảm mạnh với doanh thu thuần đạt 470,5 tỉ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Các loại chi phí tăng cao, khiến lãi ròng của VCA chỉ đạt gần 7,9 tỉ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ 2019.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do tình hình thị trường tiêu thụ thép cán đầu năm 2020 cạnh tranh gay gắt và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ trong quý 1/2020 giảm đáng kể so với cùng kỳ (giảm 33%).
Công ty đã quản lý tốt chi phí đầu vào cũng như tiêu hao vật tư nguyên liệu làm giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Thép Việt Ý (VIS) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 756 tỉ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó giá vốn xấp xỉ bằng doanh thu nên Thép Việt Ý hầu như không ghi nhận lãi gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Doanh thu giảm, các loại chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh khiến Thép Việt Ý lỗ 41,7 tỉ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 33,6 tỉ đồng ghi nhận trong quý 1 năm ngoái. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp Thép Việt Ý kinh doanh thua lỗ. Tổng lỗ lũy kế đến 31/3/2020 lên đến 586 tỉ đồng.
Thép Pomina (POM) cũng cho biết, tình hình tiêu thụ chung của ngành thép quý 1 đầu năm giảm, dẫn tới lượng thép và doanh thu quý 1 của Pomina cũng giảm theo.
Doanh thu thuần của POM đạt hơn 2.519 tỉ đồng, giảm 19,3% so với quý 1/2019. Trong đó, doanh thu bán thép nội địa đạt 2.051 tỉ đồng, đóng góp trên 81% tổng doanh thu và giảm 8% so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 454 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 882 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ các chi phí, Pomina lỗ ròng hơn 55,7 tỉ đồng, trong khi quý 1 năm ngoái lỗ hơn 83,6 tỉ đồng.
Năm 2020, ngành thép được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế ngày càng cao. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành thép trong nước cả ở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp ngành thép, khó khăn chủ yếu đến từ việc các thị trường thắt chặt kiểm soát dịch bệnh, khiến cho nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị phụ tùng cho sản xuất thép trong nước và xuất khẩu đều gặp khó.
Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp thép trong nước cần chủ động kiểm soát tồn kho nguyên vật liệu để có kế hoạch mua bổ sung đảm bảo duy trì đủ vật tư cho sản xuất.
Để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp cần chú ý đến những diễn biến thị trường, làm tốt công tác dự báo để có những chính sách bán hàng phù hợp nhằm ứng phó linh hoạt với những diễn biến khó lường của thị trường trong nước cũng như thế giới.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: