Quy hoạch đã có, nhưng công tác quản lý đô thị đang bộc lộ nhiều yếu kém.
Thực trạng nhức nhối
Theo ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, công tác tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đang thực sự “có vấn đề”. Hàng loạt nhà cao tầng ở Hà Nội và TPHCM đã xây dựng với mật độ dày đặc, nhấp nhô, khấp khểnh, vi phạm quy hoạch đã được duyệt và quy hoạch hiện hành, đặc biệt là ở các khu trung tâm, những mảnh đất vàng.
“Chúng ta đã phải trả giá cho Khách sạn Melia, Khách sạn Tower (Hỏa Lò), các nhà làm việc của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank)... mà nếu so với quy hoạch hiện nay không cho phép xây cao như vậy. Gần đây khi chúng ta kiên quyết cắt tầng ở dự án nhà Đặng Dung thì cách đấy hơn 100m lại mọc lên 2 tòa nhà cao lênh khênh gấp hơn 2 lần so với nhà vừa cắt tầng” - ông Hùng bức xúc nói.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hùng, việc cấp phép còn tùy tiện do người cho – kẻ xin, nhất là khu vực nội thành, nhiều dự án trên các khu vực nội thành dày đặc, cao 9-11 tầng, 20-25 tầng (TPHCM - Hà Nội). Thậm chí còn vượt cả chiều cao, tầng nhà so với quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã được phê duyệt (nhóm lợi ích trong việc xin - cho cấp phép xây dựng).
Nhiều quyết định chủ trương đúng đắn trong quy hoạch được duyệt như di dời các nhà máy, công sở, bệnh viện ra khu đô thị mới, ngoại thành nhằm giảm áp lực mật độ dân cư, tăng diện tích lợi ích công cộng (trường học, nhà trẻ, công viên cây xanh...) nhưng thực hiện không nghiêm. Nhà máy sau di dời lại cắm vào đó nhiều công trình mang lại “lợi nhuận” cao cho chủ đầu tư (và cả nhóm lợi ích của người cấp phép).
Và như vậy, có lẽ sẽ phải còn chờ rất lâu nữa, việc xây dựng đô thị theo quy hoạch mới vào nền nếp; tình trạng xây dựng lộn xộn không phép, sử dụng đất bừa bãi không theo quy hoạch và pháp luật còn lâu mới có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: