Mức điện năng mà các trung tâm dữ liệu này tiêu thụ cũng tăng gấp đôi so với năm 2019. Có một số lý do chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng ví dụ như các hội nghị truyền hình, học trực tuyến, giải trí và các nền tảng hỗ trợ làm việc từ xa.
Trong số các thành phố lớn tại khu vực châu Á, Singapore và Sydney ghi nhận nhu cầu sử dụng cao nhất, theo sau đó là Tokyo. Hầu hết nhu cầu này bắt nguồn từ các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, những người chiếm 2/3 mức tiêu thụ điện năng hàng năm của các trung tâm dữ liệu.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng của các công ty dịch vụ công nghệ toàn cầu cũng gia tăng theo thời gian nhằm đáp ứng các yêu cầu về hình thức làm việc từ xa cũng như các hoạt động tài chính khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Báo cáo của CBRE cũng tiết lộ rằng quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang tạo ra một sự thay đổi lớn đối với thị trường trung tâm dữ liệu. Tại những quốc gia phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia, nhiều nhà khai thác trung tâm dữ liệu đang tìm kiếm cơ hội mở rộng quy mô.
Đối với nguồn cung, bốn thị trường trung tâm dữ liệu hàng đầu Châu Á đã ghi nhận mức tăng trưởng chưa từng có về tổng công suất lắp đặt trong năm 2020, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019 lên 1.781 MW vào cuối năm, với phần lớn các cơ sở hoàn thiện nằm ở Sydney và Singapore. Dự kiến số lượng này sẽ còn gia tăng nhiều hơn nữa vào năm 2021, thời điểm các dự án bị chậm tiến độ do Covid-19 gây ra được tái khởi động.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng các khu vực ngoại ô tại Nhật Bản và Úc là những nơi có tiềm năng vươn mình đứng ngang hàng với bốn thị trường hàng đầu châu Á trong năm nay. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ quản lý từ xa cho phép khách hàng có khả năng hiển thị theo thời gian thực về các chức năng quan trọng như kiểm soát môi trường, bảo mật và kết nối mạng.
“Đại dịch Covid-19 vô tình trở thành nguyên nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trên các lĩnh vực như eLearning, mua sắm trực tuyến, truyền phát nội dung và giải trí. Việc lập kế hoạch kinh doanh liên tục cũng đẩy nhanh quá trình áp dụng điện toán đám mây để hỗ trợ làm việc từ xa. Nhìn rộng hơn, chúng ta có thể nói đến công nghệ 5G”, Chin Yee Lim, người đứng đầu bộ phận Giải pháp trung tâm dữ liệu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của CBRE chia sẻ. Ông cũng cho biết nếu chính phủ các nước hỗ trợ đẩy mạnh quá trình số hóa hơn nữa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác thì điều này sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu của sự tăng trưởng các trung tâm dữ liệu.
Trên thị trường đầu tư, khối lượng giao dịch đối với phân khúc trung tâm dữ liệu tại châu Á đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2020, cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Ngoài ra, năm 2020 cũng chứng kiến quá trình xây dựng nền tảng và các thương vụ M&A cho nhiều trung tâm dữ liệu, với số tiền lên tới 5 tỷ USD được triển khai bởi các nền tảng tài trợ và liên doanh trên khắp khu vực.
“Trung tâm dữ liệu đã trở thành phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại. Loại tài sản này đem đến sự đa dạng hóa danh mục đầu tư và nâng cao lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro”, Tiến sĩ Henry Chin, trưởng phòng nghiên cứu thị trường của CBRE tại châu Á nhấn mạnh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: