Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn về đầu tư, khả năng tài chính của người có nhu cầu thực còn hạn chế. Trong khi đó, mặt bằng giá nhà ở vẫn còn ở mức cao, lượng cung nhà ở đang tồn kho lớn.
Chính vì thế, nhằm kích thích nguồn cầu cho bất động sản, tạo kênh huy động vốn cho thị trường ổn định và bền vững. Hiện nay có nhiều mô hình quỹ bất động sản đang được đề xuất chờ Thủ tướng phê duyệt.
Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội
Quỹ này do Bộ Xây dựng chủ trì, dành cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Nguồn vốn của Quỹ hình thành từ vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở (tối thiểu 10% tiền thu được từ chuyển quyền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm cho Quỹ,…); Lợi nhuận thu được từ phát hành sổ số kiến thiết
Người vay được vay khi đã đóng đủ 30% số tiền dự kiến vay, số tiền được vay thêm bằng 2 lần số tiền đã đóng. Thời gian trả nợ tối đa 15 năm, lãi suất vay dự kiến từ 5%-7% cộng với 1,5% phí quản lý Quỹ. Hình thức tham gia Quỹ là tự nguyện, không bắt buộc. Quỹ này đã trình Thủ tướng, đang chờ quyết định.
Quỹ Tiết kiệm cho vay nhà ở
Quỹ này cũng do Bộ Xây dựng chủ trì, cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại, tập trung vào đối tượng có thu nhập trung bình trở lên vay. Việc huy động vốn, cơ chế cho vay, tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguyên tác hoạt động của Quỹ tiết kiệm nhà ở do Thủ tướng quyết định.
Trên cơ sở Quyết định phê duyệt Đề án, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Quy chế hoạt động, cơ chế huy động và cho vay, nguyên tắc hoạt động, cơ chế tài chính của Quỹ tiết kiệm này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý 1 năm 2013.
Quỹ Đầu tư bất động sản
Nghị định số 58/2012/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 20/7/2012, và có hiệu lực thi hành từ 15/9/2012. Trong đó, có quy định về hoạt động của Quỹ đầu tư bất động sản.
Đây là một hình thức quỹ hoàn toàn mới, nhằm thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi vào đầu tư, có nhiều đặc tính tương tự Mô hình quỹ tín thác đầu tư BĐS – REITs của quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thì Quỹ này không được phép tham gia vào đầu tư phát triển bất động sản, nói cách khác là tạo lập bất động sản. Quỹ này chỉ được mua bất động sản đã hoàn thành. Như vậy, thông qua Quỹ sẽ kích thích được nguồn cầu cho bất động sản.
Quỹ tín thác bất động sản – REITs
Đây là một mô hình Quỹ bất động sản phổ biến ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, Hong Kong, Canada,..Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn mới mẻ đang được nghiên cứu, đề xuất.
Mục đích của quỹ là huy động vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua phát hành chứng chỉ quỹ và đầu tư vào lĩnh vực nhà ở.
Vừa qua, việc đưa vào hoạt động của Quỹ đầu tư bất động sản là một tiền đề quan trọng để đi đến triển khai REITs. Bởi theo nhiều chuyên gia trong ngành thì Quỹ đầu tư bất động sản gần giối với REITs.
Cơ quan Tái cho vay thế chấp
Tại buổi hội thảo về giải pháp tiếp cận nguồn vốn tín dụng vừa được tổ chức ngày 12/9. Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam có đưa ra một khái niệm khá mới mẻ là “Cơ quan Tái cho vay thế chấp”.
Theo ông Mai, đây là công cụ đặc biệt để huy động với chi phí thấp để hỗ trợ sở hữu nhà ở quốc gia cho các đối tượng thu nhập thấp, trung bình. Ở các nước phát triển đây là chính sách mũi nhọn phát triển của thị trường chứng khoán nợ.
Ông Mai cho biết, mô hình này cũng đang được nghiên cứu tại Việt nam.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: