"Choáng" giá đất vùng ven
Trong mấy năm gần đây, nhiều vùng nông thôn được triển khai nâng cấp, xây dựng hạ tầng mạnh mẽ. Theo đó, giá đất tại vùng quê cũng tăng đáng kể, tạo ra lợi thế cho các chủ đất rao bán với mức giá cao chót vót. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư phải "quay xe" vì cho rằng, giá đất quá cao chưa phù hợp với hạ tầng.
Từ khi dịch bệnh bùng phát đã trải qua 4 đợt dịch liên tiếp lan ra khắp các tỉnh thành. Do đó, nhiều nhà giàu tại Hà Nội đổ xô đi săn đất rộng, ở những địa điểm có lợi thế từ thiên nhiên làm nơi trú ẩn an toàn trong những ngày dịch theo phong trào "bỏ phố về quê".
Chị Nguyễn Lan (sinh sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh không khí tại Hà Nội ngày càng xấu đi, cộng thêm tình hình dịch bệnh phức tạp. Nên gia đình chị tìm mua đất tại vùng ven như Ba Vì, Sóc Sơn, Hòa Bình xây dựng ngôi nhà thứ 2 để gia đình có nơi nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần.
"Ở Hà Nội ngày càng chật chội, không khí cũng ô nhiễm nhiều. Thấy mọi người kháo nhau ở vùng ven có nhiều quỹ đất rộng mà giá lại rẻ. Vợ chồng tôi cùng tìm để mua xây dựng một ngôi nhà lấy chỗ nghỉ ngơi và cho các con có không gian để chạy nhảy", chị Lan nói.
Mảnh đất chị Lan ở Ba Vì (Hà Nội) hỏi mua được phát giá cao, nên chị đành "quay xe". Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, sau nhiều lần đi xem đất chị Lan cho rằng, giá đất tại một số nơi vùng ven quá cao, chưa phù hợp với hạ tầng. Thậm chí, một số mảnh đất nằm trong ngõ sâu cũng được rao bán với mức giá từ 5 - 8 triệu đồng/m2.
Đơn cử, một mảnh đất tại Suối Hai, Ba Vì nằm sâu trong ngõ rộng khoảng gần 3m, rộng 700m2, trong đó chỉ có 150m2 là đất ở, còn lại là đất trồng cây được chủ nhà phát giá lên tới 6 triệu đồng/m2.
Theo chị Lan tính toán, nguyên tiền mua đất đã 4,2 tỷ đồng, cộng thêm tiền xây nhà và hoàn thiện sân vườn khoảng 2 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 6,2 tỷ đồng. Với số tiền này, chị cho rằng quá lớn để đầu tư vào ngôi nhà thứ 2 mà lại cách xa trung tâm.
"Tôi có hỏi lý do giá đất cao, thì môi giới nói rằng có thông tin quy hoạch khu nghỉ dưỡng của tập đoàn lớn tại khu vực này. Nhưng tôi thấy, kể cả khu nghỉ dưỡng đã được xây dựng gần đây thì mức giá này vẫn không phù hợp. Tôi đề nghị thỏa thuận về mức giá vì quá cao nhưng chủ nhà lại khẳng định không giảm nên tôi đành quay xe về Hà Nội", chị Lan kể.
"Quay xe" vì giá đất nông thôn quá cao
Tương tự, anh Nguyễn Văn Dưỡng - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, từ tháng 6/2021 anh tìm về vùng nông thôn tại các tỉnh mua đất để đầu tư, tuy nhiên vì mức giá quá cao nên anh phải "quay xe".
Theo anh Dưỡng chia sẻ, trong mấy năm nay đất tại các vùng nông thôn liên tục thiết lập mặt bằng giá cao hơn. Do đó, anh cũng đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, sau thời gian đi xem thực tế, anh cho rằng nhiều nơi giá đất quá cao chưa phù hợp với mặt bằng chung. Thậm chí, một số nơi chủ nhà rao bán với mức giá tương đương với vùng ven Hà Nội.
Lô đất tại Bình Lục (Hà Nam) đang được chủ nhà bán 9 triệu đồng/m2. Ảnh: Nguyễn Minh
Đơn cử, một mảnh đất rộng 200m2 tại Bình Lục (Hà Nam), nằm ở mặt đường ngõ trải bê tông rộng khoảng 3m, được chủ đất phát giá lên tới 9 triệu đồng/m2.
"Mặc dù giá đất tại nông thôn thời gian gần đây tăng cao nhưng với mức giá 9 triệu đồng/m2 mà trong ngõ tôi cho rằng đây là tình trạng ngáo giá của chủ đất", nhà đầu tư này nói.
Anh Dưỡng cho biết, vì là người từ địa phương khác tới, không nắm bắt chính xác được giá cả tại khu vực nên anh cũng hỏi những người dân xung quanh để biết rõ.
"Tôi cũng hỏi những người dân xung quanh để nắm bắt chính xác giá cả, họ đều nói trong ngõ ít thấy ai bán nên cũng không biết rõ giá bao nhiêu. Theo người dân cho biết những lô đất ở mặt đường lớn cũng chỉ khoảng 12 triệu đồng/m2. Mà đất tại đường lớn lưu thông liên tỉnh thì tính thanh khoản chắc chắn sẽ cao hơn", nhà đầu tư này phân tích.
Sau đó, anh Dưỡng chuyển hướng tìm những lô đất tại mặt đường lớn nhưng không có người bán. Cuối cùng, anh đành quay về tay trắng với chuyến đi "săn" đất quê.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: