Đánh giá đúng năng lực cạnh tranh nhà thầu, công bố công khai minh bạch là để tránh tình trạng "thông thầu” hay làm "hồ sơ đẹp” khá phổ biến. Tuy nhiên, trên thực tế, công việc này đang đối diện nhiều rào cản.
Nhiều bất cập trong đấu thầu
Trong những năm gần đây, hệ thống văn bản pháp luật trong xây dựng đã cơ bản được hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại liên quan đến công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu nên việc lựa chọn nhà thầu mạnh còn hạn chế. Chỉ ra hàng loạt những vấn đề trong công tác đấu thầu, ông Bùi Tấn Lực, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định cho rằng, do thiếu quy định về giá sàn, nên nhiều nhà thầu sẵn sàng hạ giá để trúng thầu, nhưng lại thi công kém chất lượng, hoặc kéo dài, chậm tiến độ, thua lỗ dẫn đến nhiều hệ lụy. Hoặc khi cạnh tranh với các nhà thầu ngoại, như ở Trung Quốc, do có nhiều chính sách ưu đãi, nên nhà thầu Trung Quốc luôn bỏ giá thấp hơn các nhà thầu ở các nước khác, thậm chí thấp hơn cả giá của nhà thầu Việt. Trong khi đó DN Việt phải chịu lãi suất ngân hàng cao cùng nhiều rào cản khác, khiến nhà thầu Việt chết ngay trên sân nhà, mặc dù năng lực không hề thua kém.
Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT TCTCP Vinaconex thì cho rằng, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu không đề cập tới việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu đang thi công cùng lúc nhiều gói thầu, do đó, nhiều trường hợp nhà thầu được phê duyệt trúng thầu nhưng quá trình triển khai đã thể hiện sự yếu kém về năng lực mà một trong những nguyên nhân chính là do đang thực hiện quá nhiều gói thầu cùng lúc.
Còn theo đại diện CTCP Xây dựng Cotec – Coteccons, nguồn tài chính của DN nên được đánh giá qua khả năng huy động vốn qua cách kênh khác nhau chứ không chỉ dựa trên vốn điều lệ, tổng tài sản, hệ số khả năng trả nợ ngắn hạn... Một số nhà thầu xây dựng do không đáp ứng tiêu chí về vốn điều lệ nên không tiếp cận được các dự án lớn có vốn ngân sách, dù hoàn toàn đủ năng lực cũng như đã từng thực hiện các dự án khác có quy mô tương đương. Bên cạnh đó, các nhà thầu đang bị chủ đầu tư nợ những khoản tiền chậm thanh toán rất lớn nên việc yêu cầu nhà thầu đảm bảo hệ số khả năng trả nợ ngắn hạn có thể dẫn tới nghịch lý càng thi công nhiều càng khó đáp ứng hệ số trả nợ ngắn hạn.
Ở một góc độ khác, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT/TGĐ CTCP đầu tư dầu khí Toàn Cầu, chưa có đơn vị nào đứng ra đánh giá, xếp hạng nhà thầu. Đặc biệt, ở Việt Nam đang tồn tại một cách làm biến tướng khái niệm nhà thầu quản lý. Đó là trường hợp một công ty con năng lực rất hạn chế nhưng lại dùng hồ sơ đăng ký của công ty mẹ, là một công ty mạnh để đấu thầu. Đến khi thi công thì chỉ có công ty con đảm nhận dù công ty mẹ đã ký hồ sơ thầu kể cả việc cung cấp tài chính cho dự án.
Phải phân loại nhà thầu
TS. Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, xác định năng lực cạnh tranh là cơ sở để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng. Việc đánh giá năng lực cạnh tranh trước hết là để các nhà thầu tự nhìn nhận xem DN mình có năng lực cạnh tranh đến đâu, đang đứng ở vị trí nào của thị trường, từ đó tạo ra động lực thúc đẩy các DN chủ động xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của DN. Tuy nhiên, ở nước ta, việc đánh giá và công công bố công khai năng lực nhà thầu là vấn đề mới dù ở các quốc gia khác đã trở thành thông lệ. Vì vậy, cần được bổ sung các chế tài về công bố công khai năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng vào các Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản liên quan.
Cùng quan điểm, ông Bùi Tấn Lực cũng cho rằng, Nhà nước cần rà soát lại cơ chế, chính sách để có tiêu chí đánh giá đúng năng lực của nhà thầu, tránh hiện tượng các DN lớn, các tập đoàn tham gia đấu thầu nhưng không tổ chức thực hiện mà giao khoán lại cho các DN địa phương.
Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm, PCT Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để đánh giá năng lực nhà thầu thì cần phân biệt loại hình nhà thầu như thầu chính, thầu phụ hay tổng thầu. Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho rằng, nên phân loại các nhà thầu thành loại A, B, C, việc phân loại sẽ thay đổi hàng năm theo kết quả hoạt động của DN và phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch, có kiểm tra chặt chẽ. Các nhà thầu nhóm A có thể tham gia dự thầu tất cả các gói thầu với các quy mô, còn nhóm B, C chỉ được tham gia những gói thầu có quy mô tương ứng. Về phần đơn vị đánh giá, VACC sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện việc đánh giá xếp loại nhà thầu hàng năm, dựa trên số liệu báo cáo chính thức của các nhà thầu có xác nhận của cơ quan quản lý. Song, để làm được điều này, VACC cần có sự chuẩn bị thật tích cực đặc biệt là càn các chuyên gia có kinh nghiệm để việc đánh giá xếp loại không bị hình thức thức hóa và tiến tới phải tham gia là thành viên trong hội đồng phân xử các tranh chấp liên quan tới đấu thầu.