Trên mạng xã hội không ít nạn nhân đã vạch trần hành vi lừa đảo của một số người sau khi “dính” đòn do ham giá nhà đất rẻ.
Chiêu quen thuộc vẫn là rao trên mạng cần bán gấp những miếng đất, căn nhà giá thấp hơn giá thị trường từ 15-20% vì người bán nợ ngân hàng, trong khi dịch kéo dài không còn nguồn vốn để trả, sợ để lâu lãi mẹ đẻ lãi con nên phải bán gấp. Hay một lý do khác là mua nhà cho thuê nhưng dịch kéo dài không cho thuê được nên không hiệu quả bán lỗ…
Nghe qua những nguyên nhân trên đều rất thuyết phục nên một số người có nhu cầu và nguồn lực tài chính sẵn sàng “chớp lấy cơ hội” liền liên hệ để tìm hiểu thông tin.
Ông Thành (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết cách đây mấy tháng đặt cọc mua miếng đất của một người rao bán trên mạng xã hội. Thấy giá rẻ nên ông Thành tìm hiểu và được chủ đất đưa nguyên nhân dịch bệnh có vẻ hợp lý nên xúc tiến thủ tục để mua đất.
“Chủ đất gửi giấy tờ nhà qua Zalo, ảnh chụp sổ photo nhưng đứng tên người khác. Ông ấy giải thích đó là tên vợ rồi yêu cầu tôi đặt cọc 50 triệu đồng. Thấy tôi chần chừ, ông nói vì là chỗ quen biết nên giảm xuống 30 triệu đồng, hẹn hết giãn cách xã hội sẽ ra công chứng” - ông Thành kể.
Thấy đất rẻ nên ông chuyển khoản 30 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nhân tiền ông Thành không thể liên lạc với chủ đất.
Một trường hợp khác ở quận 12 cũng bị lừa với chiêu “bán lỗ mùa dịch”.
Một luật sư cho biết còn có trường hợp gài bẫy người bán nhận tiền cọc rồi tìm cách phá cọc, đòi bồi thường gấp đôi. Những người lừa đảo thường là nhóm cò đất đặt cọc lấy giá rồi tìm khách để bán. Nếu có khách mua cao hơn sẽ sang tay hưởng chênh lệch, nhưng nếu giá đất không tăng hoặc không có khách mua thì họ phá cọc và đổ lỗi cho người bán để đòi thêm tiền.
Cò thường lừa những chủ đất nông nghiệp nhưng hợp đồng đặt cọc môi giới soạn lại ghi là đất trong khu dân cư hiện hữu. Người bán sơ suất không đọc kỹ.
“Nếu không tìm được khách, nhóm cò này sẽ bám vào nội dung hợp đồng để tố người bán đất gian dối, ép họ phải trả lại tiền cọc và bồi thường tiền. Nhiều người bán sợ kiện tụng, không nhờ luật sư tư vấn nên chấp nhận trả tiền cọc và bồi thường một khoản không nhỏ” - vị luật sư chia sẻ.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, khuyến cáo người mua nhà, đất phải cẩn trọng, đầu tiên phải yêu cầu được xem bản gốc sổ đỏ hoặc sổ hồng. Người mua cần kiểm tra về pháp lý, quy hoạch của nhà đất đó.
Đồng thời, yêu cầu bên bán cung cấp CMND/CCCD. Nếu người đứng tên trên hợp đồng trùng với CMND/CCCD và thông tin trên sổ mới giao tiền đặt cọc. Người mua nên giao dịch tiền trực tiếp với chủ nhà, không thông qua môi giới, tránh rủi ro nhất là trong thời điểm mùa dịch.
“Khi ký hợp đồng đặt cọc cần đọc thật kỹ các điều khoản. Việc soạn hợp đồng nên do bên bán chủ động và bàn bạc kỹ với bên mua về nội dung, nhất là các điều khoản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng và thời gian thực hiện hợp đồng” - ông Quang tư vấn.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA cho rằng, các giao dịch nhà đất trong những ngày giãn cách hầu như không có. Chỉ những khách hàng quen biết đã có lòng tin với các doanh nghiệp mà họ đã từng có giao dịch trước đó mới đặt chỗ. Còn những giao dịch từ trước đến nay hai bên chưa biết mặt thì hầu như không có.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), trong các năm qua, hoạt động huy động vốn tại một số dự án phân lô bán nền hình thành trong tương lai thường thông qua hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng đặt cọc giữ chỗ. Thậm chí có trường hợp bên huy động vốn chỉ lập phiếu thu đặt cọc giữ chỗ hay biên bản đặt cọc có xác nhận của thừa phát lại, có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng.
Đây là vấn nạn, gây nhiều bức xúc, cần được bổ sung các quy định để kiểm soát. Ngoài ra, do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật đã dẫn đến việc chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc quá nhiều, thậm chí có trường hợp nhận đến hơn 90% giá trị BĐS, gây rủi ro cho người mua.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: