Điều 270 BLHS quy định: “Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu…”.
Ở vụ chòi vịt đối tượng là căn chòi, còn ở vụ này đối tượng là nhà xưởng, tức đều không phải là nhà ở. Bị can cũng đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm xây dựng (hai lần xây dựng sai phép tại một thửa đất) rồi tiếp tục vi phạm (xây dựng không phép tại một thửa đất khác) và như đánh giá của công an, VKS huyện là có các dấu hiệu phạm tội nêu trên. Có lẽ “dư âm” của vụ chòi vịt khiến tòa án huyện lo ngại truy tố oan và cơ quan này đã trả hồ sơ để VKS làm rõ một số nội dung.
Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở đòi hỏi đồng thời có hai dấu hiệu: 1. Xây dựng nhà trái phép (hoặc chiếm dụng chỗ ở); 2. Đã bị xử phạt hành chính (hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích) mà còn vi phạm.
Không quá khó để nhận ra sự thiếu chặt chẽ của điều luật này. Tên luật là “… về quản lý nhà ở” nhưng trong nội dung thì ghi là “xây dựng nhà trái phép”, vậy nhà ở đây là nhà gì? Chẳng phải cắc cớ vì nhà có đến năm, bảy loại và nhà ở theo định nghĩa của Luật Nhà ở thì hoàn toàn khác với nhà xưởng, nhà kho hay các công trình xây dựng khác… Có vẻ hợp lý nếu bám sát theo tên điều luật để hiểu đó là “nhà ở”. Song nếu tiếp tục xem thêm thì lại thấy ngoài “nhà ở” điều luật còn ghi “công trình xây dựng trái phép”. Rốt cuộc điều luật đang muốn điều chỉnh loại nhà nào mà lúc thế này, lúc thế khác?
Điều luật còn dẫn đến sự cào bằng hết sức vô lý. Do không có giới hạn nên cùng hành vi sai phạm trong việc xây dựng công trình (xây sai phép hoặc xây không phép) nhưng với nhà ở, bất kể quy mô lớn, nhỏ là có thể đi tù. Tức chủ nhà xây sai phép vài m2 cũng có thể bị xử lý hình sự giống như chủ nhà xây không phép vài trăm, thậm chí là vài ngàn m2 (!?). Ngược lại, xây nhà xưởng to đùng thì mức độ vi phạm cỡ nào cũng không phạm tội. Nghịch lý nằm ở chỗ này và xem chừng đây là một trong nhiều lý do mà rất ít người xây nhà trái phép bị tù tội!
Khi các hành vi vi phạm xây dựng có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, Quốc hội đã quyết định giữ nguyên tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở trong BLHS 2015 (tại Điều 343) nhằm đảm bảo được kỷ cương, trật tự xây dựng. Tuy nhiên, muốn quy định không “chết yểu” thì điều luật phải được thiết kế lại cho rõ ràng, cụ thể, có sự phân biệt theo diện tích vi phạm, tránh gây khó cho người thực thi. Cạnh đó, các loại công trình xây dựng trái phép khác có quy mô lớn như nhà xưởng, kho bãi, trung tâm thương mại… cũng phải được pháp luật về hình sự điều chỉnh cho hợp lẽ.
Nên chăng có một điều luật mới bao quát hơn để trị được tất cả đối tượng xây dựng công trình trái phép chứ không riêng gì nhà ở, như tội vi phạm các quy định về quản lý công trình xây dựng chẳng hạn?
Tội ít nghiêm trọng mà bị tịch thu tài sản là sao? Ngoài việc bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm thì người phạm tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở còn có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu nhà ở, công trình xây dựng trái phép. Bàn thêm về hình phạt bổ sung này, nhất là việc tịch thu tài sản, nhiều ý kiến cho rằng điều luật bị chỏi với nguyên tắc xử lý chung của BLHS. Cụ thể, tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp do BLHS quy định. Trong khi đó, tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở là tội ít nghiêm trọng. Chưa kể, đa phần nhà ở trái phép chưa được công nhận sở hữu, vậy tịch thu của ai? |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: