Dự án “đắp chiếu”, ngân hàng “quay lưng”
Dự án Khu nhà ở sinh thái tại phường Xuân Phương của Công ty CP Tasco có quy mô sử dụng đất 38,1ha. Dự án được thực hiện để hoàn vốn cho dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 theo hình thức BT. Từ năm 2009, chủ đầu tư đã thực hiện gần xong 100% công tác GPMB. Đất đối ứng cũng đã được phê duyệt, tuy nhiên, năm 2009, do quy hoạch chung thay đổi, dự án nằm trong vành đai xanh, Thủ tướng Chính phủ có thông báo về việc xử lý các dự án nằm trong vành đai xanh sông Nhuệ khiến Công ty phải dừng triển khai dự án để đợi quy hoạch phân khu. Vướng quy hoạch nên từ năm 2010 đến nay, dự án này "đắp chiếu". Hơn 1.000 tỷ đồng DN bỏ ra đầu tư vào các hạng mục trước khi dự án bị dừng 4 năm nay. "Hiện, TP Hà Nội đã cho chủ trương tiếp tục dự án này. Thời gian không xa nữa, chúng tôi sẽ khởi công. Tuy nhiên, nếu được khởi công đúng kế hoạch, dự án của chúng tôi đến thời điểm này chắc chắn đã hoàn thiện. Nhiều cơ hội bị mất, thiệt hại với công ty là quá lớn" - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco Phạm Quang Dũng bức xúc.
Nhiều dự án tại khu đô thị mới Xuân Phương, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm hiện tại phải dừng triển khai. Ảnh: Phạm Hùng
Cùng khó khăn vì dự án bị dừng do vướng quy hoạch, bà Đồng Thị Lan - đại diện Công ty CP Việt Úc hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa cũng cho biết, dự án của công ty này đã thực hiện đền bù GPMB xong từ năm 2011. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn không triển khai được vì lý do chưa có phân khu quy hoạch. Tiền đền bù bỏ ra, cổ đông sốt ruột, lo lắng, bà gọi đó là "án treo lơ lửng", DN dù bức xúc vẫn phải "dài cổ" chờ đợi.
Đa số các DN tham gia Hội nghị cho rằng, việc các dự án bị dừng thi công là rất nhiều. Những rủi ro này không chỉ làm các khoản tiền DN bỏ ra đầu tư ban đầu phải nằm "đắp chiếu" mà còn đưa DN vào hàng loạt các khó khăn khác. Đó là tuột mất cơ hội, ngân hàng sợ rủi ro nên cũng "bỏ chạy" khỏi các dự án kiểu này…
Nỗ lực tái cơ cấu
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, các ban, ngành… đã lắng nghe, trả lời và tiếp thu các đề xuất của DN trên địa bàn.
Hiện nay, toàn quận Nam Từ Liêm có 4.345 DN đang hoạt động và 16 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp cùng gần 7.000 hộ kinh doanh cá thể chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm tỷ lệ 90%). Tuy là quận mới đi vào thành lập (chính thức hoạt động từ tháng 4/2014) nhưng quận Nam Từ Liêm đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đó là hỗ trợ vay vốn, lãi suất, thực hiện các chính sách tài khóa, ưu đãi thuế, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…
Về "điểm nóng" GPMB, ông Nguyễn Văn Tứ - Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, quận đang tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm, rà soát các dự án đang triển khai, ưu tiên thực hiện GPMB các dự án cho các chủ đầu tư có năng lực thực sự…
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP có 7.000 DN thành lập mới, giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, số DN ngừng hoạt động và giải thể lại tăng nhanh. "Đưa ra con số đó để biết tình hình DN rất khó khăn. Bởi vậy, thời gian qua, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN như các chính sách giải quyết hàng tồn kho sản xuất, bất động sản, hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất vốn vay sau đầu tư, các chính sách miễn giảm, giãn thuế…"- Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, DN cũng phải tập trung tái cơ cấu trên các lĩnh vực vốn, đầu tư, thị trường, quản lý như chủ động xây dựng giá thành hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chọn lọc công nghệ phù hợp, liên kết để hỗ trợ lẫn nhau…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: