Cần “fair play”
Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Reesenco Sông Hồng, DN trong kỳ tính thuế có hoạt động chuyển nhượng BĐS nếu bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, lãi của hoạt động BĐS không được bù trừ với lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh khác, trừ trường hợp làm thủ tục giải thể DN. Đồng thời, thu nhập từ hoạt động BĐS theo quy định của pháp luật phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế TNDN với mức thuế suất 20% là quá cao so với mặt bằng chung trong khu vực. Điều này vô tình trở thành gánh nặng đè lên vai các DN BĐS.
Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông. Ảnh: Linh Anh
Chẳng hạn DN A có thu nhập từ hoạt động BĐS lỗ 100 triệu đồng và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính lãi 200 triệu đồng. Đương nhiên DN A được bù trừ số lỗ của hoạt động BĐS với hoạt động sản xuất kinh doanh chính là 100 triệu đồng. Thuế TNDN phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh chính sẽ rơi vào 20 triệu đồng. Thế nhưng DN B có thu nhập từ hoạt động BĐS lãi 100 triệu đồng và thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là lỗ 200 triệu đồng thì thuế TNDN họ lại phải nộp của hoạt động BĐS là 22 triệu đồng. Thu nhập lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là 200 triệu đồng không được bù từ hoạt động BĐS mà chuyển lỗ sang các năm sau và thời gian chuyển lỗ tối đa không quá 5 năm.
"Khi Nhà nước cho phép DN kinh doanh thêm một số ngành nghề thì các ngành nghề đó là một thể thống nhất. Như nguyên tắc bình thông nhau, cùng một bình sẽ đương nhiên được bù trừ qua lại giữa các ngành nghề. Do đó, quy định này không còn hợp lý và thiếu công bằng đối với các DN BĐS, ảnh hưởng không nhỏ đến nội lực phát triển, mở rộng của DN” - ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty BĐS Đất Lành nhấn mạnh. Cũng theo ông Nguyễn Văn Đực, không thể phủ nhận ngành thuế đã có nhiều cải tiến trong vấn đề khai, quyết toán thuế. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác vấn đề tồn đọng cho đến tận bây giờ mà DN BĐS nào cũng quan tâm là được hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN bình đẳng như những ngành nghề khác. Trong bối cảnh mở cửa kinh tế như hiện tại, để thị trường BĐS phát triển bền vững, tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, DN cần sự “fair play” từ ngành thuế.
Lo thất thu thuế
Năm 2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho bổ sung quy định DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh vào Luật Thuế thu nhập DN (TNDN) sửa đổi năm 2013. Theo cơ quan soạn thảo, điều này là phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đặc biệt, sẽ tạo cơ sở để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn đang xem xét do vấp phải nhiều e ngại thất thoát thuế từ các cơ quan quản lý.
Ở góc độ kinh tế, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho biết: “Vấn đề này nằm trong quyết định chung của Nhà nước về ưu tiên dùng vốn cho 6 lĩnh vực kinh doanh và trọng tâm. Không khuyến khích đầu tư đầu cơ BĐS quá mức. Nguyện vọng của các DN BĐS là đáng ghi nhận. Song ở góc độ quản lý, khi mở “van hai chiều” thì Nhà nước có thể thất thu thuế vì các DN sẽ tìm cách chuyển giá, báo cáo lỗ liên tục. Từ đó yêu cầu bù lỗ thì không thu được thuế. Xét theo tiêu chí này, kiến nghị của các DN BĐS là không hợp lý”.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, sức ép về nguồn thu của thuế là có thật. Tuy nhiên, nếu cơ quan thuế cứ lo ngại BĐS là lĩnh vực siêu lợi nhuận, dễ đầu cơ cần phải “siết” lại để áp dụng quy định không cho phép bù trừ lãi BĐS cho ngành nghề khác, vô hình trung đã hạn chế môi trường cạnh tranh đối với ngành đầu tư kinh doanh BĐS. Vắt kiệt nguồn thu và tạo sân chơi thiếu bình đẳng, gây khó cho DN. Thậm chí, nếu không cẩn thận, sẽ đi ngược lại chính sách cởi mở thông thoáng đang nỗ lực xây dựng.
Chuyên gia nhận định Cần được chủ động với tài chính của mình Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các DN cần được chủ động với kế hoạch tài chính của mình. Chuyển nhượng BĐS là một hoạt động kinh doanh bình đẳng như các kinh doanh khác thì việc sử dụng đồng lãi từ BĐS để bù trừ lỗ cho hoạt động chính việc bình thường, tạo điều kiện để DN chủ động với kế hoạch đầu tư dài hạn, tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư phát triển. Đặc biệt, nó sẽ tạo cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu. Bên cạnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN đa ngành có kinh doanh BĐS thì điều này có ảnh hưởng lớn đến hoạt động xử lý nợ xấu hiện nay. Đa số các khoản nợ xấu hiện nay đều có tài sản đảm bảo bằng BĐS và cái khó nhất của nợ xấu lại chính là xử lý tài sản đảm bảo. Và rất khó cho ngân hàng khi DN vẫn có lãi nhưng vẫn không thể chuyển qua để xử lý nợ. Gia Tuấn |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: