Ngày 23-11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với sự tán thành cao của các vị đại biểu Quốc hội (94,98% ý kiến tán thành). Hai lĩnh vực vốn là miếng mồi ngon cho tham nhũng là tài nguyên, môi trường và đầu tư xây dựng đã được thắt chặt hơn trong Luật sửa đổi lần này.
Thi công dự án đường Lê Văn Lương ảnh: T.L
Công khai minh bạch trong quản lý tài nguyên và môi trường
Vấn đề mang tính cấp thiết, là Điều 21 về công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) quy định rõ hơn việc công khai, minh bạch công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể, trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan, tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch đó phải công khai cho nhân dân địa phương nơi được quy hoạch, điều chỉnh biết; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, mức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc điều chỉnh. Cùng với đó phải thực hiện công khai về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch chi tiết và việc phân lô đất ở, đối tượng được giao đất làm nhà ở. Các khoản thu tài chính cho ngân sách nhà nước từ việc quản lý, sử dụng đất và các khoản miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất.
Trong quản lý nhà nước về khoáng sản và tài nguyên nước, Luật quy định phải công khai, minh bạch các nội dung như: Quy hoạch khoáng sản; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản, thủ tục thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản; Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản và khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản và các khoản thu ngân sách từ việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Bên cạnh đó, trong việc quản lý nhà nước về môi trường phải công khai, minh bạch các nội dung về điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp giấy phép hành nghề, mã số quản lý chất thải; Trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Phải công khai báo cáo tiền khả thi trước khi xây dựng
Một điểm mới cũng được Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đưa vào nhằm thắt chặt quản lý, chống tham nhũng đó là công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, phải công khai, minh bạch báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế-xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; Quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; Báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.
Luật cũng quy định dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch. Dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Cùng với đó, dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định, phê duyệt phải được công khai để nhân dân giám sát.
Phải công khai căn cứ tính mức thu phí, lệ phí
Nhằm tránh thất thu thuế, cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có thu phí, lệ phí phải công khai căn cứ tính mức thu, số thu thực tế, đối tượng miễn, giảm và căn cứ miễn, giảm các khoản thu ngân sách. Luật cũng quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông. Theo đó yêu cầu, trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông, phải công khai, minh bạch về việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch về văn hóa, thông tin, truyền thông; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông.